Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Empty
Bài gửiTiêu đề: 10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX   10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX EmptyWed Mar 20, 2013 7:52 am

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX


Trong sự trông ngóng vận hội khởi sắc của nước nhà, TTXVA công bố danh sách 10 chính trị gia Việt Nam nổi bật nhất thế kỷ XX. Danh sách do TTXVA bầu chọn theo tiêu chí : Nhãn quan – Tầm ảnh hưởng – Di sản. Các tiêu chí người nào xuất sắc hơn người nào hay sự khen chê của người đời thì TTXVA tự nhận thấy không đủ khả năng đánh giá. Dĩ nhiên, danh sách này chỉ mang tính tương đối và vẫn có thể thay đổi tùy theo quan điểm chung của dư luận, nhưng trước nhất, không lệ thuộc bất cứ định kiến nào. Mọi đóng góp phản biện xin comment lịch thiệp, TTXVA rất cảm tạ !

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 510Rongvang

1. Phan Bội Châu (1867 – 1940) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Phan-Boi-Chau-2

Phan Bội Châu (tên cúng cơm là Phan Văn San ; nguyên quán làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ; sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 và mất ngày 29 tháng 10 năm 1940), tự Hải Thu, bút hiệu Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử, Việt Điểu, Hãn Mãn Tử… Ông là danh sĩ, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, chính trị gia hoạt động ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu là một trong những người sáng lập Duy Tân Hội và phong trào Đông Du mà chỉ ít lâu sau đó có ý nghĩa tích cực trong việc ra đời Việt Nam Quang phục Hội – một tổ chức chính trị kháng Pháp công khai bằng xu hướng bạo động. Tiếp thu ảnh hưởng của cuộc Minh Trị Duy tân (1866 – 1869), Cách mạng Tân Hợi (1911) và học thuyết Tam dân của Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu đề ra quan điểm giành lấy nền độc lập cho nước Việt Nam bằng con đường bạo động vũ trang, rồi kiến tạo chính thể Dân quốc Cộng hòa. Sau khi Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt (1925) và kết án giam lỏng thì Việt Nam Quang phục Hội cũng tan rã, thành viên của tổ chức này tham gia sáng lập các tổ chức khác như : Tân Việt Thanh niên Đoàn (tiền thân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội), Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội…


2. Phan Châu Trinh (1872 – 1926) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Phan_Chau_Trinh

Phan Châu Trinh (có khi được gọi là Phan Chu Trinh ; nguyên quán làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ; sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 và mất ngày 24 tháng 3 năm 1926), tự Tử Cán, bút hiệu Tây Hồ, Hy Mã. Ông là danh sĩ, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, chính trị gia hoạt động ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Phan Châu Trinh là một trong những sáng lập viên của phong trào Duy Tân (1906 – 1908), địa bàn hoạt động chủ yếu tại Trung Kỳ (đương thời gọi là Đại Nam Đế quốc). Lấy phương châm tự lực khai hóa và tư tưởng dân quyền tiếp thu từ ảnh hưởng của phong trào Khai sáng Pháp (thế kỷ XVIII), Phan Châu Trinh đề ra quan điểm Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh làm nền tảng vươn tới nền độc lập – tự do. Khác với đại đa số chính trị gia cùng thời, ông kịch liệt lên án quan điểm giành lấy nền độc lập bằng vũ lực và đề xướng phương thức bất bạo động, đồng thời kêu gọi tất cả người Việt Nam mạnh dạn học hỏi những tinh hoa của nền văn minh toàn cầu, kể cả từ những thế lực gây bách hại đến số phận nước Việt Nam.


3. Bùi Quang Chiêu (1872 – 1945) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 1921
Di ảnh Bùi Quang Chiêu (ngồi) và gia đình – chụp tại Phú Nhuận (Sài Gòn) năm 1921.

Bùi Quang Chiêu (1872 – 1945) nguyên quán tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, tuy xuất thân dòng dõi Nho gia nhưng ông theo học trường Tây từ nhỏ và mang quốc tịch Pháp. Ông bị lực lượng Việt Minh ám sát ở chợ Đệm (Long An) vào ngày 29 tháng 9 năm 1945 với lý do “làm tay sai cho thực dân Pháp”. Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông (bằng do trường École Coloniale cấp), nhà báo, chính trị gia có xu hướng Cấp tiến. Ông cổ động nhiệt thành phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, đồng thời là người sáng lập Đảng Lập hiến Đông Dương – chính đảng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Quan điểm của Bùi Quang Chiêu là giành quyền tự trị cho xứ Đông Dương để tiến tới độc lập hoàn toàn, mà mọi giai đoạn đều tuân thủ nguyên tắc bất bạo động, tích cực hợp tác và đối thoại.


4. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Ong%20co%20Vinh

Nguyễn Văn Vĩnh (sinh ngày 15 tháng 6 năm 1882 tại nhà số 46, phố Hàng Giấy, Hà Nội ; nguyên quán làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông ; mất ngày 1 tháng 5 năm 1936 trên một con thuyền độc mộc trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng) là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà giáo, chính trị gia. Ông là một trong những trí thức tân học đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời được suy tôn là Ông Tổ nghề báo Việt Nam, tham gia sáng lập Hội Trí Tri, Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học, Đông Kinh nghĩa thục và viết bài cho rất nhiều tờ báo. Những nỗ lực không mệt mỏi của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc truyền bá tri thức tiến bộ (đương thời gọi là Tân học) đã góp phần thay đổi bộ mặt đời sống đô thị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, tạo ra khí thế sôi động chưa từng có trong các lĩnh vực báo chí, văn chương, dịch thuật.


5. Hồ Chí Minh (1890 – 1969) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Ho_Chi_Minh_1946_and_signature

Hồ Chí Minh (tên cúng cơm là Nguyễn Sinh Cung) là chính trị gia có tiểu sức phức tạp nhất tại Việt Nam. Căn cứ vào tài liệu do cơ quan Phòng Nhì (Pháp) lập năm 1931 thì ông sinh tháng 4 năm 1894 tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nguyên quán tại làng Kim Liên (cùng xã). Cuộc đời chính trị của Hồ Chí Minh có thể chia làm ba giai đoạn rõ rệt : Bôn ba hải ngoại (1919 – 1941), lãnh đạo phong trào kháng Pháp (1941 – 1954), làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1954 – 1969). Ông là nhà văn, nhà báo, chính trị gia có đóng góp lớn nhất cho sự hình thành và phát triển phong trào cách mạng vô sản tại Việt Nam, cũng như đóng vai trò nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn đầu. Tên tuổi ông gắn liền với luận thuyết Tư tưởng Hồ Chí Minh – thực chất là sự hệ thống hóa và khai triển những quan điểm của Hồ Chí Minh thành triết lý nhận diện mọi lĩnh vực đời sống Việt Nam.


6. Ngô Đình Nhu (1910 – 1963) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX Ngodinhdiem23_ngodinhnhu

Ngô Đình Nhu (bút hiệu Tùng Phong ; sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại Huế và mất ngày 2 tháng 11 năm 1963 tại Sài Gòn ; nguyên quán làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là chính trị gia hoạt động vào khoảng giữa thế kỷ XX. Ông là người sáng lập Cần lao Nhân vị Cách mạng Đảng và đề xướng học thuyết Nhân vị (Personalism) làm nền tảng phát triển quốc gia – con người Việt Nam. Trên danh nghĩa cố vấn chính trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm (bào huynh), Ngô Đình Nhu được coi là “kiến trúc sư” của chính thể Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam (1955 – 1963), bởi mọi chính sách cũng như hệ thống công quyền đều một tay ông gầy dựng. Tuy nhiên, do sự quá đà trong việc duy trì quyền lực cho dòng họ Ngô và trấn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến, khác tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo), nên cùng với hai người anh em là Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, ông bị giới quân sự đảo chính và ám sát vào năm 1963. Chính thể Đệ nhất Cộng hòa và ước vọng chấn hưng Việt Nam cũng theo đó tan vỡ. Ngô Đình Nhu cũng được biết đến là tác giả cuốn sách Chính đề Việt Nam – trước tác nhằm nhận diện vị thế của nước Việt Nam trên cán cân quyền lực chính trị quốc tế và nêu ra giải pháp phòng vệ quốc gia khỏi mọi cạm bẫy.


7. Trương Tử Anh (1914 – 1946) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 859Truong_Tu_Anh

Trương Tử Anh (tên cúng cơm là Trương Kháng, sinh năm 1914 tại xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và mất ngày 19 tháng 12 năm 1946 tại Hà Nội) là nhà báo, triết gia, chính trị gia hoạt động vào khoảng 1939 – 1946. Ông là người sáng lập Đại Việt Quốc dân Đảng (1938) và đồng sáng lập Mặt trận Quốc dân Đảng Việt Nam (1945), cũng là người khởi xướng học thuyết Dân tộc sinh tồn (một luận thuyết chính trị – triết học) với khát vọng vun bồi trí lực cho người Việt Nam. Trương Tử Anh bị công an Việt Minh ám sát vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 để trả đũa Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh (bị phát giác trong vụ đột nhập trụ sở Việt Nam Quốc dân Đảng – số 132 phố Duy-vi-nhô – ngày 12 tháng 7 năm 1946).


8. Huỳnh Phú Sổ (1920 – 1947) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 480Huynh_Phu_So

Huỳnh Phú Sổ (còn được gọi là Ông đạo Xẻn, Phật thầy, Huỳnh giáo chủ ; sinh ngày 15 tháng 1 năm 1920 và mất ngày 16 tháng 4 năm 1947 ; nguyên quán làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc) là người sáng lập đạo Hòa Hảo và Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng (một thành viên của Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp). Phương châm hoạt động chính trị của ông là lấy tinh thần nhân nghĩa, đức độ của nhà Phật làm nền tảng phát triển quốc gia – con người Việt Nam. Ông bị Việt Minh ám sát vào ngày 16 tháng 4 năm 1947 khi đến Tân Phú (Đồng Tháp Mười) để hòa giải mâu thuẫn giữa Việt Minh và Hòa Hảo.


9. Trần Lệ Xuân (1924 – 2011) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 5505445320_eac1a8cb2d

Trần Lệ Xuân (sinh ngày 22 tháng 8 năm 1924 tại Hà Nội và mất ngày 24 tháng 4 năm 2011 tại Roma) là phu nhân Cố vấn Ngô Đình Nhu (nên có khi được gọi là Madame Nhu). Bà là dân biểu (Hạ nghị sĩ) Việt Nam Cộng hòa, đồng thời sáng lập Phong trào Liên đới Phụ nữ Việt Nam (một tổ chức tranh đấu cho nữ quyền). Cuộc đời chính trị của bà Trần Lệ Xuân rất ngắn ngủi (1955 – 1963), nhưng gây ấn tượng là người phụ nữ có chính kiến sắc xảo dù tồn tại trong xã hội còn nặng nề Khổng giáo và tranh đấu không mệt mỏi cho bình quyền của phụ nữ, tẩy chay mãnh liệt những tệ nạn gây băng hoại xã hội. Bà cũng là nhân vật đầu tiên khởi xướng xu hướng thời trang cách tân của phụ nữ Việt Nam (đặc biệt là áo dài).


10. Nguyễn Ngọc Huy (1924 – 1990) :

10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX 370Nguyen_Ngoc_Huy

Nguyễn Ngọc Huy (sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chợ Lớn – Sài Gòn và mất ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris ; nguyên quán làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa ; bút hiệu Việt Tâm, Hùng Nguyên, Cuồng Nhân, Ba Xạo, Đằng Phương) là nhà giáo, chính trị gia hoạt động vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Ông là người có đóng góp lớn nhất trong việc khai triển chủ nghĩa dân tộc sinh tồn của Trương Tử Anh thành luận thuyết khoa học. Vào khoảng thập niên 1960, Đại Việt Quốc dân Đảng mâu thuẫn nội bộ và phân hóa, Nguyễn Ngọc Huy tách ra lập Đảng Tân Đại Việt (1964) và cùng với giáo sư Nguyễn Văn Bông xây dựng Phong trào Quốc gia Cấp tiến (1968). Sau 1975, ông di cư sang Hoa Kỳ, tiếp tục nghiên cứu học thuật và hoạt động chính trị. Năm 1981, ông tập hợp các thành viên cũ trong Phong trào Quốc gia Cấp tiến và một số nhân sĩ độc lập tại hải ngoại để thành lập Liên minh Dân chủ Việt Nam – một tổ chức chính trị lấy phương châm Dân bản – Tự do – Ðộc lập – Hòa bình – Trung lập làm nền tảng phát triển đất nước Việt Nam. Nguyễn Ngọc Huy tạ thế (1990) giữa lúc ước vọng tái hợp ba tổ chức Đại Việt Quốc dân Đảng và hồi hương còn dang dở.


NNH Sk theo vnn




Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
10 chính trị gia nổi bật của thế kỷ XX
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ngôi chùa có chính điện lớn nhất VN
» Từ bi với chinh mình
» "Hào quang" của cơ thể sống chính là "hồn"
» Hãy mở với chính lòng mình...
»  Tháng Năm, người Chính Thống nghĩ gì về Đức Mẹ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: NGHỆ THUẬT - KIẾN THỨC :: KHÁM PHÁ - PHÁT MINH-
Chuyển đến