Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời Empty
Bài gửiTiêu đề: Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời   Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời EmptyWed Mar 28, 2012 10:06 am

Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời

Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời 262172_10150244664517355_70630972354_7482089_5297480_n

Trong cuộc họp của tổ công tác hỗn hợp Tòa Thánh Vatican và Việt nam ngày 28/2/2012 vừa qua, câu nói của đức giáo hoàng Benedict 16 trích trong huấn từ gửi các đức giám mục Việt Nam nhân chuyến Ad Limina năm 2009 “một người Công giáo tốt và là một người công dân tốt“ lần nữa được nhắc lại trong Bản Thông Cáo Chung “ Cả hai bên đã nhắc lại giáo huấn của đức giáo hoàng Benedicto XVI về việc sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và những lập trường của ngài về việc là một người Công giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh cần tiếp tục có sự hợp tác giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền, để thực thi những giáo huấn ấy một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động”

Đánh giá Bản Thông Cáo Chung này linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong cho rằng đây không phải là lần đầu tiên câu nói của đức giáo hoàng cũng như của HĐGM Việt nam = Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc đã được chính quyền Hà Nội sử dụng như “ Lá Bùa” trong các cuộc gọi là “ đối thoại” giữa Giáo Hội CG với chính quyền VN với nhiều hàm ý” ( Nguồn đã dẫn).

Nói đến “ bùa” hay bùa phép, bùa chú người ta liên tưởng ngay đến một thứ gì đó mờ ám mang tính lừa gạt. Tuy nhiên đối với cái “ bùa” mà cha Nam Phong nói, nó lại có một tác dụng không nhỏ trong hàng ngũ cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Đại đa số người Công Giáo chúng ta vẫn kính trọng và tin tưởng vào đức Thánh cha, cũng như các đức giám mục, bởi vậy một khí các ngài đã nói như thế thì phải đúng là như thế. Tin vào các đấng các bậc là điều tốt, thế nhưng cũng cần phải…tỉnh táo để khỏi bị người ta …bỏ bùa mà không biết. Trong câu nói của đức Benedict “ Một người Công Giáo tốt và một người công dân tốt” dường như có ngụ ý rằng để có thể là người Công Giáo tốt thì cũng phải là người công dân tốt. Thế nhưng thật sự thì không hẳn như vậy, bởi vì khái niệm công dân ở đây đã bị người ta,..bẻ quặt như là những người tán đồng chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Từ cách hiểu như thế suy ra để có thể được gọi là người Công Giáo tốt thì phải nhất mực tán đồng đường lối chính sách của Đảng, ngược lại thì không.

Thực ra để phân định thế nào là người Công Giáo tốt hay không tốt chẳng những tại Việt Nam mà còn cho cả thế giới là điều hoàn toàn không dễ. Lý do bởi vì giáo hội hầu như đang bị chìm ngập trong tục hóa. Có vị đã chỉ dẫn …rành mạch cần phải sống đạo cách sao trong một thế giới Giải Thiêng (Lm N. Hồng Giáo). Có vị khác lại còn mạnh miệng khẳng định “ Suy cho kỹ chính Đức Giesu mới là ông tổ của chủ nghĩa thế tục” (Lm T.Cẩm – NS CG&Dt 205 tháng 01/2012). Còn có đấng bậc khác như ai cũng biết đã ca ngợi …cánh chung luận CS ngay trong buổi lễ trọng tại nhà thờ chánh tòa…!!!.

Một khi đã bước vào con đường tục hóa thì việc thỏa hiệp với thế gian là điều đương nhiên. Đang khi đó Chúa lại kêu gọi chúng ta ra khỏi thế gian “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” (Ga 15, 19). Những người sống niềm tin tôn giáo thì không thể thỏa hiệp, bởi trái ngược nhau về chí hướng. Người đời bám chặt thế gian, lấy nó làm cứu cánh, còn người có đạo lại coi thế gian là chốn khách đày, tất cả hy vọng của họ đặt ở đời sau. Cùng một chí hướng thì như Chúa nói sẽ được thế gian yêu mến, ngược lại sẽ bị ghét bỏ.

Dù bị thế gian ghét bỏ nhưng người có đạo thà vâng lời Chúa để phải chết còn hơn sống mà trái lời Ngài. Trong buổi sơ khai giáo hội, Phero và các tông đồ bị điệu đến trước Công Hội và đã bị thầy tế lễ thượng phẩm cật vấn “Chúng ta đã nghiêm cấm các ngươi chớ lấy Danh đó (Kito) mà dạy dỗ. Nhưng kìa các ngươi lại làm cho Gierusalem đầy dẫy sự dạy dỗ của các ngươi và toan khiến máu người đó đổ lại trên chúng ta. Phero và các tông đồ đáp lại = chúng tôi cần phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời” (Cv 5, 28 -29).

Qua sự đối đáp này đã bộc lộ cho thấy có sự khác biệt sâu xa giữa Đạo Cũ (Cựu Ước) và Đạo Mới (Tân ước )trong quan điểm về Thiên Chúa. Với vị thượng tế thì Thiên Chúa được hiểu như là đấng Thiên Chúa Thần linh Tạo hóa ngoại tại còn với Phero thì đó là Đấng Nội tại. Mục đích xuống thế của Đức Kito là để mạc khải về Thiên Chúa Cha cũng là Đấng Thiên Chúa nội tại ẩn giấu (Deus Abconsditus) nhưng cũng chính vì mạc khải đó mà Ngài bị giết. Vị thượng tế cấm các Tông đồ bởi vì họ rao giảng chân lý đã được Đức Kito truyền đạt. Còn các tông đồ nói cần vâng lời Thiên Chúa thì sự vâng lời ấy chính là vâng theo Đấng Chúa ở nơi mình.

Vâng theo Đấng Chúa ở nơi mình, chân lý này thật vô cùng cao cả và để thực hiện chân lý ấy những người theo Chúa không ai không phải trả giá tức bị thế gian ghét bỏ, đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình. Sự ghét bỏ của thế gian là điều đương nhiên bởi nếu không như vậy thì chân lý không thể có trong Đạo Chúa. Theo Chúa thì không thể vâng theo thế gian, ngược lại vâng theo thế gian thì không thể theo Chúa. Giữa hai con đường, chúng ta chỉ có thể chọn một “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc trọng kẻ này mà khinh chủ kia. Các ngươi không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc” (Lc 16, 13 -14).

Chỉ có thể chọn một trong hai giữa Thiên Chúa và thế gian, chọn thế gian thì bỏ Chúa, ngược lại chọn Chúa thì phải bỏ thế gian. Hiện nay trong thời tục hóa, những người tự nhận là Kito hữu lại chọn thế gian để rồi công khai đi vào con đường thỏa hiệp, khiến Giáo Hội ngày càng lâm vào bế tắc.

I/- Khủng hoảng niềm tin
Một khi Đức Kito đã nói không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của thì rõ ràng người có đạo chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai, hoặc Thiên Chúa hoặc thế gian. Tuy nhiên làm sao có thể chọn làm tôi Thiên Chúa nếu không tin có Ngài ? Tin Thiên Chúa hiện hữu hiểu như một thực tại vĩnh hằng luôn mang tính phổ quát ở nơi con người. Mặc dầu vậy niềm tin ấy hoàn toàn không có thực chất mà chỉ là những quan niệm khác nhau của ngôn từ. Với Hồi giáo là đấng Allah, với Do Thái giáo là Đức Giehova, với Công giáo chúng ta là Thiên Chúa. Riêng với danh xưng Thiên Chúa này còn có những tên khác chẳng hạn Đức Chúa Trời, Thượng đế, Đấng Tạo Hóa v.v.. dù được gọi bằng bất cứ tên nào thì chung quy vẫn chỉ là những khái niệm của ngôn từ chẳng hề dính dáng chi đến thực tại. Thiên Chúa đích thực là Cha, là nguồn cội muôn loài. Thế nhưng không một ai trong phàm nhân chúng ta nhận biết, ngoại trừ Đức Kito và kẻ nào Ngài muốn mạc khải (Lc 10, 22)

Dù không nhận biết nhưng nhờ công nghiệp Chúa Kito, chúng ta vẫn có thể tin Thiên Chúa đích thực là Cha mình và điều ấy hoàn toàn khác với niềm tin phổ quát của người đời. Chỉ nhờ công nghiệp của Chúa cùng với việc sống đạo nhiệt thành, gìn giữ các giới răn cách chu đáo, lãnh nhận bí tích sốt sắng, chúng ta mới có thể có được niềm tin Thiên Chúa là Cha. Nhược bằng không như thế thì đức tin ấy không chân thật.

Cuộc khủng hoảng hiện nay thật dữ dằn mà nguyên nhân chính là do con người đã chối bỏ Thiên Chúa “Nếu dẹp bỏ Thiên Chúa, dẹp bỏ đức Kito thì thế giới sẽ rơi vào trống rỗng tối tăm và đây là điều gặp thấy trong các kiểu diễn tả của chủ thuyết hư vô ngày nay, một chủ thuyết hư vô đáng tiếc gây truyền nhiễm cho biết bao người trẻ thường khi một cách vô ý thức” (Huấn dụ của đức Benedicto XVI trong dịp tiếp các tín hữu và khách hành hương năm châu tại quảng trường Thánh Phero ngày 06/11/2011).

Không phải chỉ người vô thần mới chối bỏ Thiên Chúa, người mang danh Kito cũng vậy. Việc chối bỏ ấy có thể diễn ra nhiều cách khác nhau, có thể bằng lối sống hưởng thụ chỉ biết có mình nhưng cũng có thể bằng sự dửng dưng vô trách nhiệm với tha nhân. Mặt khác một khi đã tin và sống với niềm tin Thiên Chúa là Cha thì không thể thỏa hiệp. Tại sao ? Bởi như thế tức là đã mặc nhiên chọn thế gian chứ không phải Chúa. Thế gian là cõi sinh diệt hư phù, nay còn mai mất, ngay cả đến mạng sống con người cũng vậy “ Sự sống anh em là chi ? Chẳng qua như hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ) Mạng sống đã vậy còn nói chi những cái tùy thuộc như tiền tài danh vọng chức quyền ? Không chọn Chúa lại chọn thế gian như thế có nghĩa là đã quay lưng lại với ơn gọi làm Con Chúa, trở thành thù nghịch với Ngài “ Hỡi bọn ngoại tình kia, các ngươi chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Thiên Chúa sao ? (Gc 4, 4)

Sở dĩ làm bạn với thế gian là thù nghịch với Thiên Chúa bởi Thiên Chúa đây là Thiên Chúa Tình yêu, Đấng đã hiến mình chịu chết hầu cho ta có thể nên bạn hữu với Ngài “ Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta” (Ga 15, 15). Chúa nâng ta lên thành bạn hữu vì đã tỏ ( mạc khải ) cho biết mọi mọi điều đã nghe nơi Cha Ngài. Chúa ..nghe ở nơi Đấng Cha thế nào thì Ngài cũng muốn chúng ta ..nghe như vậy bởi lẽ Đấng Cha của Chúa Giesu với Đấng Cha của mỗi một người trong chúng ta không mảy may khác biệt. Chúa Kito Phục Sinh nói với bà Madalena “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi, cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” (Ga 20, 17).

Đức Kito mạc khải về Chúa Cha và sự mạc khải ấy chỉ có thể thành tựu khi chúng ta biết lắng nghe tức vâng theo Thánh Ý.

II/- Vâng lời Thiên Chúa
Khi Phero trả lời vị thượng tế = chúng tôi cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời thì Thiên Chúa cần vâng lời ấy chỉ có thể là Thiên Chúa nội tại. Lý do là vì chỉ với Đấng nội tại chúng ta mới cần vâng lời, trái lại nếu Thiên Chúa là Đấng…ngự tít trên chốn cao xanh mịt mùng kia thì cần gì phải vâng và vâng như thế để làm gì ? Cuộc khủng hoảng hiện nay tất cả là do có sự đổ vỡ niềm tin vào một đấng Thiên Chúa ngoại tại…ở trên trời. Chính là với Đấng TC ngoại tại mang tính chất thể lý gọi là Cha ấy mà đã khiến cho thiên hạ mặc tình báng bổ. S. Freud (1856 – 1939) cha đẻ phân tâm học cho rằng ông đã tìm ra bản chất đích thực của tôn giáo trong việc tôn thờ một người cha toàn năng, quan phòng và gìn giữ mọi sự. Người cha này chỉ là sản phẩm của ảo tưởng muốn che chở tuyệt đối đồng thời nó cũng phát sinh từ mặc cảm giết cha (Oedipe) muốn được tha thứ. Còn K. Marx ( 1818 – 1883 ) thì kịch liệt phê phán quan niệm cho Thiên Chúa là cha, bởi nó làm vong thân triệt để, đồng thời cũng là lời phản kháng vô vọng và vô hiệu trước thực tại cụ thể của những kẻ bị nô lệ áp bức là nhân dân lao động.

Với quan niệm Thiên Chúa là đấng Cha theo nghĩa thể lý như thế, thần học không có cách chi chống đỡ lại những phản bác trên cả hai phương diện triết học và khoa học. Tuy nhiên đây chỉ là hệ quả của việc giải nghĩa Kinh Thánh (Sách sáng Thế) theo nghĩa …mặt chữ ( litteral) = Tạo hóa là tạo ra thế giới vật chất và con người cũng chỉ là một thứ … “vật” trong thế giới vật chất ấy. Đang khi đó chân lý Thánh Kinh cho ta biết con người được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa (St 1, 26) có nghĩa bản tính nó vốn dĩ là Thần Tính (Thiên Chúa Tánh). Thiên Chúa lấy bùn đất tạo nên Adam tượng trưng cho thân xác và sau đó…hà hơi thở vào lỗ mũi tượng trưng cho linh hồn cũng tức là phần lương tâm mỗi người. Lương tâm của bất kỳ ai ai cũng đều như nhau dù là bậc Thánh nhân hay kẻ tội đồ và sự khác biệt chỉ ở chỗ = Thánh nhân là người biết sống theo lương tâm mình, còn kẻ tội đồ thì không.

Cùng một ý nghĩa như vậy, ta có thể nói người có đạo cũng như vô đạo cùng có một lương tâm như nhau nhưng khác biệt ở chỗ người có đạo thì sống theo lương tâm còn người vô đạo thì không. Tôn giáo cũng còn gọi là đạo tức con đường để đi. Đạo Công Giáo có đường lối của Công giáo, đạo Phật có đường lối của Phật giáo. Tuy về hình thức có khác nhưng cùng có đích điểm là để sống và thể hiện lương tâm mình. Hiểu như thế thì có thể nói những kẻ chủ trương vô thần là vô đạo, chẳng những họ không có con đường (tâm linh) để thể hiện mà còn phủ nhận chính lương tâm bản tính mình.
Những kẻ vô đạo trong thế giới ngày nay thì nhiều vô kể, họ có thể là những kẻ cầm quyền, hoặc cũng có thể là giáo sĩ với bề ngoài đạo cao đức cả nhưng cái nét chung để đánh giá đó là họ không thực sự sống với lương tâm mình. Người cầm quyền thì ra tay hãm hại bắt bớ người có đạo, còn giáo sĩ thì thỏa hiệp với chúng để tìm kiếm bổng lộc chức quyền… Sống theo lương tâm là sống trong sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát con người “ Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32) Sự thật đem lại giải thoát nhưng cái khó của việc sống sự thật là phải chu toàn các giới răn nhất là trong thời này là thời mà chủ nghĩa tương đối hoành hành “Trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp, các bạn hẳn sẽ bị áp lực trở thành một người đi theo chủ nghĩa tương đối để nói láo, lừa dối hoặc biển thủ. Như ĐGH Gioan Phaolo II đã từng nói = những cấm đoán tiêu cực của mười Điều răn vốn là thể hiện của luật tự nhiên, không hề cho phép một khoản luật trừ nào. Nhưng các bạn sẽ phải trả giá cho sự trung thành của mình” (Nguồn Giaolyvien – TC không hề chết, Ngài cũng chẳng mỏi mệt).

Có thể nói chủ nghĩa tương đối và tục hóa (Sécularisme) là anh em sinh đôi vì cùng chủ trương gạt bỏ Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa không còn thì Mười điều Răn ĐCT đương nhiên trở thành vô nghĩa. Đang khi đó Giới Răn nói chung và mười điều Răn nói riêng chính là một thứ cương lĩnh cần yếu cho việc thể hiện lương tâm con người. Phân tích hai chữ Cương lĩnh cho thấy Cương là đầu mối của cái lưới, hễ nắm được Cương thì các mắt lưới đều được giương lên. Lĩnh là cổ áo hễ nắm được Lĩnh thì tay áo và vạt áo đều xuôi xuống. Thi hành cương lĩnh (giới răn) tức là vâng lời Thiên Chúa cũng tức là nghe theo tiếng nói của lương tâm mình, trái lại thì đó là phản nghịch. Mặc dầu đã gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống tức không còn giới răn để phải tuân giữ, thế nhưng con người không thể sống mà không cần luật lệ và cái luật thay thế giới răn mà người ta nại đến chính là …nhân quyền. Đức hồng y CT/ HĐGH cổ võ hiệp nhất Kito hữu nói “ Ngày nay nhân quyền được tuyên dương như một đạo lý mới của thế giới”.

Nhân quyền được tuyên dương như một thứ đạo lý mới sau khi nó đã đạp đổ …đạo lý cũ là việc vâng lời Thiên Chúa. Không vâng lời Thiên Chúa để vâng theo nhân quyền, con người ngày nay có đủ mọi thứ quyền như phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu (!!!) v.v… Tất cả những thứ…quyền này đều được đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước bằng các sắc luật và sắc luật gây tai hại nhất cho giáo Hội Mỹ hiện nay chính là Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và chăm sóc sức khỏe (PPACA) hay còn gọi là ObamaCare bởi do tổng thống Obama ban hành.

Giáo Hội Công Giáo Mỹ kịch liệt phản đối đạo luật này và đưa ra khẳng định thà đóng cửa các cơ sở trước khi phải đạp đổ tín điều cốt lõi nhất trong TĐ Humanae Vitae bằng cách cung cấp miễn phí các biện pháp ngừa thai, phá thai triệt sản. Trong bức thư dài này đức hồng y George cho biết các giám mục CG đang đấu tranh cho việc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Sắc lệnh này là một sự cao ngạo chưa từng có trước đây trong lịch sử khi Obama muốn chính phủ có quyền chỉ ra ranh giới giữa đức tin và việc làm. Đức hồng y George viết = Tự do tôn giáo còn vĩ đại hơn tự do thờ phượng. Ngay cả Liên Bang Xô Viết cũng cho phép người ta đi nhà thờ, nếu các bạn tìm ra một nhà thờ để đi. Sắc lệnh của Bộ Y Tế bắt chước Liên Xô nói rằng người ta được tự do tôn giáo trong nhà thờ, điều đó được Hiến Pháp bảo vệ. Còn các trường học, tòa báo nhà thương nhà từ thiện các nơi thể hiện lòng xót thương con người thì ở bên ngoài quyền tự do tôn giáo” (Nguồn Nguyễn Trubng Ephata 501)

Khi so sánh tự do tôn giáo và tự do thờ phượng để rồi cho tự do tôn giáo vĩ đại hơn tự do thờ phượng tức đã mặc nhiên nhìn nhận khác biệt giữa hai sự tự do. Đang khi đó nếu hiểu tự do tôn giáo tức cũng là tự do lương tâm thì chẳng thể có bất cứ sự khác biệt nào. Tại sao ? Bởi vì tính chất thờ phượng ở đây chẳng phải là phượng thờ một đấng nào khác ngoài ra là chính lương tâm bản tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Đức Kito nói với người đàn bà xứ Samari “ Phụ nữ kia ơi ! hãy tin Ta giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Gierusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biue61t, còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ đến và nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha hằng tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” (Ga 4, 21 -23).

Chúa nói thờ phượng cách chân thật có nghĩa phải xoay cái tâm trở vào bên trong tức là vào với lương tâm bản tính mình mà cầu. Một khi hiểu như thế thì tự do tôn giáo với tự do thờ phượng chỉ là một không khác và nếu đã không khác thì không một chế độ nào dù dân chủ…kiểu Mỹ hay độc tài CS cũng không có quyền hành gì cấm tự do tôn giáo bằng cách chỉ cho phép nó được diễn ra trong khuôn khổ nhà thờ. Cấm đoán như thế khác nào cấm con người không được …thở, hoặc chỉ được phép thở trong căn nhà mình ? Ví việc thở với tự do tôn giáo chẳng những không cường điệu, mà còn hơn thế nữa bởi lẽ tôn giáo là nhu cầu tâm linh tối thượng của con người mà nếu thiếu nó con người không phải là con người./.

Trà Cổ – Đồng nai – Lễ Truyền Tin 26/3/2012.
Phùng văn Hóa

______________________________
NNH Sk...

Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Cần vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Để chứng minh cho người ''lạc Đạo'' không tin Giêsu cũng là Thiên Chúa
» ÐẠO THIÊN CHÚA, ĐẠO GIA TÔ, ĐẠO CƠ ÐỐC, ĐẠO CÔNG GIÁO?
» Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu
»  Tôi tin Thiên Chúa...
» Tại sao Thiên Chúa tự cho mình một tên gọi?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến