Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 MẠC KHẢI và đức tin của ngươi trẻ hôm nay

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay Empty
Bài gửiTiêu đề: MẠC KHẢI và đức tin của ngươi trẻ hôm nay   MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay EmptyMon Mar 19, 2012 5:29 pm

MẠC KHẢI
và đức tin của người trẻ hôm nay


MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay Light

(Bài nói chuyện với Sinh Viên Công Giáo Huế tại Tu viện MTG An Lăng, Chúa Nhật 22.01.2006)

Xin được bắt đầu buổi chia sẻ bằng vài câu chuyện nhỏ. Cách đây hai năm, tôi có dịp gặp một sinh viên đang học Tin Học ở Sài Gòn. Qua câu chuyện hàn huyên, tôi được biết anh thuộc một gia đình công giáo rất đạo đức ở Thái Bình. Bản thân anh trước đây cũng rất sùng đạo, sớm lễ tối kinh, tham gia hầu hết mọi sinh hoạt của giáo xứ. Nhưng từ ngày vào Nam, anh chẳng còn đến Nhà Thờ nhiều cũng chẳng thiết tha gì đến đời sống đức tin. Lý do rất đơn giản : lúc còn ở quê nhà anh làm tất cả các việc đạo đức chỉ vì theo thói quen từ nhỏ, hoặc để làm vui lòng ba mẹ (có khi bị « bắt buộc »!), hoặc để như mọi người trong xứ. Bây giờ cái « khung » ấy không còn nữa. Anh thú thật với tôi rằng ở đây « giữ đạo » chẳng biết để làm gì ! Câu chuyện thứ hai do một người bạn tôi chia sẻ. Ở Paris, trong một cuộc họp mặt các tôn giáo : Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Công giáo, cả những chú Ba Tàu theo Khổng giáo cũng có mặt. Sau khi nghe một loạt các bài tham luận và tham dự buổi hội thảo sau đó, bạn tôi đã đi đến một nhận xét : nhìn từ bên ngoài và xét về mặt lý thuyết, nếu kitô giáo có Kinh Thánh, thì Hồi giáo có Kinh Coran, Khổng giáo có Tứ Thư, Ngũ Kinh, v.v…; nếu kitô giáo có phụng vụ, bí tích, chay tịnh… thì về mặt này, người theo Ấn giáo, Hồi giáo có thể còn « sùng đạo » hơn người công giáo rất nhiều. Trước khi kết thúc, hội nghị đã đi đến một kết luận làm bạn tôi trăn trở mãi : chỉ tôn giáo nào biến đổi được con người từ bên trong, làm cho con người nên tốt hơn, và qua con người, làm cho sinh hoạt của xã hội và nhân loại nên nhân bản hơn, tôn giáo đó mới đáng tin (crédible). Câu chuyện cuối cùng. Cách đây đúng hai tuần, một phụ huynh tôi quen biết đã lâu đến gặp tôi với khuôn mặt rất lo âu, vì cậu con trai đang là sinh viên ở Huế lúc này làm biếng đến Nhà Thờ và bắt đầu tìm hiểu Phật giáo.

Một vài « tín hiệu » trên đây và muôn vàn câu chuyện thường ngày tương tự không khỏi làm chúng ta suy nghĩ đến cái cốt yếu của kitô giáo. Nếu cho rằng kitô giáo khác với Nho giáo, Phật giáo… vì là Đạo do Thiên Chúa mạc khải, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong quá khứ, hay Thiên Chúa vẫn không ngừng mạc khải cho tôi hôm nay và ngày mai ? Nhưng quan trọng hơn : Mạc Khải đó chỉ liên hệ đến sự hiểu biết của tôi hay có thể biến đổi cả con người bên trong của tôi ? Cụ thể hơn nữa, trên bình diện đức tin, làm thế nào để người kitô có thể đi từ một « đức tin kế thừa » đến một « đức tin cá vị » với niềm xác tín nội tâm sâu xa hầu có thể vượt qua những khủng hoảng có thể xảy ra ? Tìm cách trả lời những câu hỏi trên đây là ta đã chạm đến cái cốt tủy của đức tin kitô giáo. Để trình bày, tôi xin đi theo lộ trình đơn giản gồm 4 chặng đường (1) . Trước hết, (I) tái khám phá những kinh nghiệm trong đời thường về « mạc khải », rồi từ đó thử xem chúng có liên hệ gì với (II) « Mạc Khải của Thiên Chúa » không. Để khỏi rơi vào lý thuyết mơ hồ, chúng ta sẽ lần bước theo (III) kinh nghiệm của Phaolô, một con người cụ thể đã đón nhận và loan truyền Mạc Khải, để rồi từ đó mỗi người có thể nhận diện (IV) những « nơi » mà chính bản thân mình có thể làm nên những « kinh nghiệm về Mạc Khải » hôm nay.

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay Passioti

1. Kinh nghiệm về “mạc khải” trong đời thường

Ở Việt Nam, từ “mạc khải” rất hiếm khi xuất hiện trên báo chí, truyền thanh, truyền hình…, nhưng theo tôi biết thì bên trời Tây từ này khá phổ thông : một minh tinh màn bạc mới nổi lên với nhiều hứa hẹn, một cầu thủ bóng đá đột nhiên chơi hay “trên cả tuyệt vời”, một nhạc sĩ trẻ biểu diễn một cách xuất thần bản giao hưởng nào đó của Bethoven, v.v…thế là ngày hôm sau trên báo chí in đầy hình ảnh của anh ta (hay cô nàng) với hàng chữ : « C’est super ! C’est une révélation ! » (Thật tuyệt vời ! Một mạc khải !). Theo nguyên ngữ, mạc nghĩa là màn (velum), khải có nghĩa là “bật mí », là “mở ra », là « vén lên ». Mạc Khải (révéler, to reveal) là vén màn lên, là khám phá điều bí ẩn.

a) Một cách tổng quát, nói đến « mạc khải » là nói đến một cái gì đó mới mẻ, xuất hiện cách đột ngột, hoặc một cái gì đó bị che khuất đồng thời lại tỏ lộ ra qua những « dấu vết », những « biểu hiện », v.v.v… để rồi nhờ đó người điều tra hoặc nhà thám tử chẳng hạn có thể khám phá ra vụ việc, hoặc nhà tâm lý có thể khám phá ra tính cách của một con người. Theo nghĩa đó, y phục, son phấn, nữ trang… cũng đóng vai trò « mạc khải » vì chúng vừa giúp con người trưng diện, tức là mạc khải điều mà con người muốn mình là, vừa che dấu con người thật sâu xa của họ. Như thế, mạc khải là « dấu hiệu » đòi phải được giải thích (être interprété).

Trong cuộc sống thường ngày, ta cũng có thể gặp những biến cố, những tình huống đựơc xem như những « mạc khải », nghĩa là chúng soi sáng, tác động đến các chặng đường đời của ta « trước » và « sau » biến cố đó : một cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy thú vị, một khám phá chợt đến về lòng thủy chung của một người bạn, một lần thi hỏng « thê thảm », một cú « sốc » vì mất chiếc Atila « tay ga » mới tinh, một người thân đột nhiên qua đời v.v… Những biến cố ấy gây nên những chấn động lớn khiến ta cảm thấy cuộc đời trở nên khác trước kia, hoặc tạo thành những đợt sóng ồ ạt làm quằn quại mặt đời bình lặng của ta khiến ta phải tự hỏi : tại sao lại như thế được chứ ? Tương lai tôi rồi sẽ ra sao đây? Tất cả ấy đều là những « mạc khải ». Chúng có mặt ở đó, giữa cái khoãng khắc phù du của kiếp sống bồng bềnh và ý nghĩa vĩnh hằng của một biến cố, một tình huống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn tả thực tế này rất hay trong ca khúc Một cõi đi về. Với nghệ sĩ thiên tài xứ Huế này, có nhiều lúc trong cuộc đời dâu bể, con người bỗng nghe như có tiếng « con tinh yêu thương vô tình chợt gọi », một tiếng gọi như thức tỉnh tâm hồn, giúp ta « lại thấy trong ta hiện bóng con người », lại nghe « ngọn gió hoang vu thổi suốt (cả) xuân thì ».

b) Bước sang một cấp độ khác. Nếu hiểu « mạc khải » là toàn bộ tiến trình làm cho một người hoặc một vật từ tình trạng mờ đục sang tình trạng trong suốt để được thấy, được nghe, được nhìn, được ngắm, thì ta có thể nói một cái gì đó nếu không biểu lộ ra thì cũng không có đối với ta, hay đúng hơn « có cũng như không », vì ta không thấy, không nghe, không đụng, không chạm, không cảm nếm được gì cả. E. Renan xác quyết cách mạnh mẽ : « Một hữu thể không tự mạc khải ra bằng hành vi cử chỉ bên ngoài thì dưới cái nhìn khoa học, hữu thể đó không hiện hữu » (Un être qui ne se révèle par aucun acte est pour la science un être qui n’existe pas) (2). Chúng ta có thể nói thêm rằng: không chỉ đối với cái nhìn của khoa học mà cả đối với người khác và ngay cả đối với chính bản thân mình, không mạc khải ra bên ngoài thì xem như cũng không hiện hữu cách trọn vẹn. Một tình yêu đơn phương (yêu thầm) thì đối với người được yêu, tình yêu đó có cũng như không! Đẩy nhận xét này đi xa hơn ta có thể nói: ai không mạc khải mình cho người khác thì cũng không mạc khải mình cho chính mình cách rõ nét, nghĩa là cũng không thực sự nhận ra mình là ai một cách phong phú : tôi biết được tôi là nhờ « va chạm » với người khác. Các nhà tâm lý thường nói : « Gặp gỡ mạc khải bản thân cho bản thân » là theo nghĩa đó. Như thế, mạc khải đích thực chỉ có trong gặp gỡ, mà khi gặp gỡ ai là ta đã đi vào trong tương quan liên vị với người đó rồi. Không còn là kẻ bàng quan nữa. Điều kỳ lạ là càng mạc khải ra bên ngoài thì càng thấy chiều sâu bên trong thăm thẳm hơn ta có thể nghĩ tưởng. Một người con gái đi mua cái khăn choàng tặng cho người mình yêu… thấy cũng chưa đủ; mua thêm cái khăn « mouchoir »thấy cũng chưa đủ: mua thêm cái đĩa CD… vẫn thấy còn thiếu ! Người đó giật mình và lúc đó bỗng chợt nhận ra rằng: mình đang yêu và đang yêu dữ dội hơn mình có thể nghĩ về mình trước đây.

Nhưng giữa những kinh nghiệm đời thường về « mạc khải » vừa phân tích với Mạc Khải theo nghĩa Thánh Kinh mà ta đang tìm hiểu có mối liên hệ nào không? Liên kết hai vế của câu hỏi này (đời thường/Mạc Khải) giúp ta làm nên một câu hỏi khác : Mạc Khải trong Kinh Thánh có thể giúp tôi « tạo ra » những kinh nghiệm mới về Mạc Khải trong đời thường để đời sống đức tin của tôi không « hết lửa » như câu chuyện buồn của người sinh viên vừa được nhắc đến trên đây không ?

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay 07Hinh2

2. Mạc Khải dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II

a) Khi đặt câu hỏi « mỗi người có thể « tạo ra » những kinh nghiệm mới về Mạc Khải cho chính mình không » là một cách nào đó chúng ta đã đi đúng cuộc đổi mới trong cách nhìn về Mạc Khải của Công Đồng Vatican II (1962-1965).

+ Trước hết, để hiểu được bước tiến của Vatican II, và cụ thể là của Hiến Chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) ban hành ngày 18/11/1965, chúng ta hãy biết rằng gần 100 năm trước đó, tuy Công Đồng Vatican I (1868-1870) đã dùng từ « Mạc Khải » để chỉ biến cố Thiên Chúa « tự tỏ lộ mình ra » (auto-révélation) cho nhân loại, nhưng công đồng này lại quan niệm Mạc Khải theo mô hình dạy dỗ (révélation = instruction). Quan niệm này phần lớn nhằm mục đích chống lại sự từ chối Mạc Khải của những người duy lý và thực nghiệm cũng như những khuynh hướng muốn thu hẹp Mạc Khải vào một thứ « tình cảm tôn giáo phổ quát ». Do đó theo nhãn quan của Vatican I, đứng trước nhân loại và con người, Thiên Chúa (và Giáo Hội) xuất hiện như là một thầy dạy, một sư phụ truyền thụ những chân lý phải tin. Bởi đó, khi nói đến « Mạc Khải », Vatican I nhấn mạnh nhiều đến « tri thức » về Thiên Chúa : « Hội Thánh Mẹ chúng ta tin và dạy rằng Thiên Chúa, nguyên nhân và cùng đích của mọi loài có thể được biết cách chắc chắn nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí con người…Tuy nhiên Thiên Chúa khôn ngoan và nhân lành đã mạc khải chính mình Người cho loài người cùng các mệnh lệnh vĩnh cửu (décrets éternels) của thánh ý Người bằng một con đường khác, tức là con đường siêu nhiên » (Hiến chế Dei Filius, 1, 2).

Thiết tưởng cũng nên nói thêm rằng trong các thế kỷ trước, một số bản văn của Giáo Hội có khuynh hướng xem Kinh Thánh như một sứ điệp thần linh gửi đến cho con người từ trên đỉnh núi cao xa vời vợi. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, một chuyên gia lừng danh về Kinh Thánh, đã trích lời nhận xét của Paul Claudel nói về người tín hữu trong Hội Thánh cho đến đầu thế kỷ 20 : « Họ đã có một sự tôn kính Thánh Kinh quá mức đến độ sống xa lạ với Lời Chúa » (3) . Lời Chúa bấy giờ dường như có nguy cơ trở thành cái gì xơ cứng hoặc như những định lý toán học. Nhưng định lý thì làm sao đến được với con tim. Chỉ lời nói mới chuyện trò được với thâm tâm con người. Chính trong nghĩa này mà Paul Beauchamp khẳng định rằng « tuyệt đối luôn ở trong những lời của Kinh Thánh, nhưng với điều kiện chúng phải luôn thực sự là những lời nói » (l’absolu est dans les paroles de l’Ecriture, mais à condition qu’elles restent vraiment des paroles) (4).

+ Vì thế, khác với mô hình « Mạc Khải = dạy dỗ » của Vatican I, Công Đồng Vatican II quan niệm Mạc khải theo mô hình «Mạc Khải = hiệp thông» (révélation = communication). Công Đồng cho rằng theo Kinh Thánh, Mạc Khải là một cuộc gặp gỡ, một cuộc đối thoại, một sự hiệp thông liên vị. Mạc Khải không phải từ trời rơi xuống, nhưng được thực hiện ngay trong lòng lịch sử nhân loại. Nói cách khác, nếu Thiên Chúa, chủ thể và nội dung của Mạc Khải, chỉ có một « mầu nhiệm » duy nhất để mạc khải là chính bản thân Người đồng thời đó cũng là cùng đích của kiếp người thì người tín hữu chỉ có thể đạt tới đó bằng con đường duy nhất : lịch sử. Lịch sử của từng người và lịch sử của toàn nhân loại, một lịch sử kéo dài cho đến ngày Chúa quang lâm.

Trong viễn tượng đó, Công Đồng đã mở đầu đầu Hiến Chế Dei Verbum không phải bằng một cái gì kỳ bí, lạ thường, phi-lịch-sử, nhưng chỉ đơn sơ lập lại kinh nghiệm gặp gỡ của một con người cụ thể với Thiên Chúa của mình, đó là kinh nghiệm của « người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương », tức tông đồ Gioan, vì chỉ có hai người yêu nhau thật sự mới tìm đến với nhau và chỉ trong tình yêu con người mới có thể mạc khải tất cả những gì là bí ẩn sâu xa nhất của lòng mình : « Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em » (DV 1; 1Ga 1, 3). Chính trong bầu khí đầy ắp đức tin đó mà Công Đồng đã trình bày quan điểm của mình về Mạc Khải : « Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã sung sướng mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1, 9)… Trong việc mạc khải này, với tình yêu thương mênh mông vô hạn, Thiên Chúa Chúa vô hình (x. Cl 1, 15; 1Tm 1, 17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33, 11; Ga 15, 14-15). Người đối thoại với họ (x. Br 3, 38) để mời và đón họ đến chia sẻ cuộc sống riêng tư của Người. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau… Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người trở nên rạng rỡ cho ta trong Đức Kitô, Đấng vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của toàn thể Mạc Khải » (DV 2).

Cần đọc thêm những văn kiện khác của Công Đồng để hiểu được rằng : Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã khiêm cung mạc khải bằng cách tự thông ban chính mình (s’auto-communiquer) cho họ trong Đức Kitô. Điều này khác hẳn với mạc khải nơi các tôn giáo bạn. Thật vậy, trong mọi thời và mọi nơi, con người luôn khao khát Tuyệt Đối. Họ nghĩ là đã « với tới » được Thượng Đế trong các « mạc khải » (chẳng hạn : các bản văn tôn giáo Ai cập do ngón tay của thần bí Toth viết ra, các anh hùng ca thần thoại của Sumer và Ashur, các sách thánh của Ấn độ và Iran…). Nhưng các mạc khải này chỉ mạc khải « đôi điều » về lề luật hoặc về nguồn gốc các thần, để rồi từ đó con người nghĩ mình đã giật lấy được từ thần linh một vài bí nhiệm đặc thù, vài cách ngôn về cách ăn thói ở… Ngược lại, theo Kinh Thánh của kitô giáo, mạc khải là biến cố chính Thiên Chúa đi vào trong con người để hoạt động trong họ và để chia sẻ sự sốâng thần linh của Người cho họ.

b) Dĩ nhiên Vatican II không hề quên đặc tính giáo thuyết của Mạc Khải nhưng đặt nó trong tương quan với chính biến cố Mạc Khải. Mạc Khải chủ yếu vẫn là gặp gỡ giữa hai ngôi vị. Vì thế, biến cố gặp gỡ nầy luôn đi liền với niềm tin. Phải có đức tin Mạc Khải mới có thể « xảy ra ». Nói cách khác, Mạc Khải sẽ không « xảy ra » nếu không có một niềm tin đón nhận nó! Dĩ nhiên Thiên Chúa đã tỏ mình ra cách hiển nhiên trong suốt dòng lịch sử mà chóp đỉnh là Đức Kitô (DV 2). Nhưng chân lý này không phải để biết (sue) mà là để tin (crue). Vì thế sự vâng phục của đức tin được trình bày như một khả năng lắng nghe và đón nhận (DV 5). Đó là cách hiểu sâu xa nhất lời của Công Đồng: « Đứng trước Thiên Chúa tự mạc khải chính mình, con người phải bày tỏ sự vâng phục (= lắng nghe) của đức tin (Rm 16, 26; x. Rm 1, 5; 2Cr 10, 5-6), qua đó con người phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa một cách tự do » (DV 5).

+ Nhưng trước tiên hãy đặt câu hỏi đơn sơ nhất : con người có thể sống mà không cần niềm tin không ? Một chú khỉ con sinh ra là đã có ngay cái khả năng sống với bầy đàn về phương diện sinh học, nhưng với chú bé người thì khác : nó phải « sinh ra lần thứ hai » bằng cách lần mò đi vào trong tương giao, trong gặp gỡ, trong ngôn ngữ, để học cho biết thế nào là tin : tin vào ánh mắt trìu mến của cha, tin vào nụ cười nồng nàn yêu thương của mẹ, tin vào thầy cô bạn bè, tin vào một cuộc đời đang mở ra trước mắt. Hành vi tin tưởng này không những xây dựng con người thành một chủ thể (sujet) nhưng còn xây dựng nên xã hội gồm những nhân vị tự do. Như chúng ta đã nói, do tình yêu thương vô hạn, Thiên Chúa cho người tín hữu nghe và thấy Người, vì thế dĩ nhiên đức tin luôn là một hồng ân, nhưng tiến trình đó không phải là cái gì hoàn toàn « khách quan » từ trên trời rơi xuống. Cha F. Gomez nhận xét thật chí lý : « Phải có sẵn cây đinh thì mới treo « cái mới » lên được; phải có sẵn chiếc khuôn thì mới có thể đổ « cái mới » vào để mà đúc » (5).

+ Đức tin là một gặp gỡ giữa tôi và Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Kitô. Như đã phân tích trên đây, khi « gặp gỡ » ai là ta đã dấn thân vào mối tương quan liên vị với người đó rồi. Vì thế, Mạc Khải của Thiên Chúa sẽ không « xuất hiện » cho con người nếu con người không chú ý đến nó, dấn thân theo nó. Theo nghĩa này, chỉ có sự hoán cải của những tín hữu mới cho ta những dấu vết của Mạc Khải đích thực. Tính « khách quan » của Mạc Khải không phải là một sự vật (chose) hoặc một dữ kiện (donnée) nào đó, nhưng là một biến cố « nhập thể » của Lời Chúa nơi người tín hữu, nếu họ biết lắng nghe và hoán cải. « Hãy xem quả thì biết cây » (Mt 7, 15-20). « Quả » nơi người tín hữu là dấu vết khách quan của « cây » Mạc Khải. Một dấu vết rất mong manh vì người bên cạnh tôi có thể không thấy, không biết, đơn giản là vì họ không tin. Như câu chuyện mở đầu trên đây cho thấy, ta đang ở trong một thế giới nhiều tín đồ của nhiều tôn giáo. Dưới mắt con người, chỉ những hiệu quả kiểm chứng được (effets repérabes) về ý nghĩa cuộc sống mới đáng tin. Nói cách khác, với biến cố Ngôi Lời nhập thể, Vinh quang Thiên Chúa đã tỏ hiện hiển nhiên trên mặt đất này rồi, nhưng người ta lại chỉ có thể « đọc » được Mạc Khải đích thực nơi cuộc đời của các thánh, cuộc đời của mỗi người chúng ta chứ không phải nơi những trang sách, dù là những trang Sách Thánh, nghĩa là người ta chỉ có thể tìm thấy dấu vết đích thực của Mạc Khải nơi nhưng trang đời cụ thể, ở đó Lời của Chúa không còn là « chữ viết » mà là « Lời » nhập thể trong những con người đặt trọn niềm tin nơi Người (chẳng hạn chữ « nghèo » trong trang Phúc Âm về Tám mối phúc thật (Mt 5, 3) làm sao sánh được với chữ « nghèo » được viết trên trang đời của Phanxicô thành Assisi).

+ Bởi thế, đức tin luôn mang trong mình một sức mạnh sáng tạo : « Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: « Dời chỗ đi, nhào xuống biển! » mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý » (Mc 11, 23). Ở đây nảy sinh một câu hỏi hóc búa : Nếu lòng ta nghi nan thì sao? Làm sao để thoát khỏi đám mây nghi ngờ này ? Dĩ nhiên câu trả lời chỉ có thể đến từ chính con người đón nhận Mạc Khải. Để minh họa cụ thể điều này, chúng ta hãy lắng nghe chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một tín hữu qua đời rất trẻ, tâm sự với Mẹ Bề Trên về sức mạnh của niềm tin nơi Chị : « Tương tự như thiên tài Christophe Colomb đã cảm thấy có một tân thế giới nhưng lúc bấy giờ chưa ai nghĩ tới thế giới đó cả, con cũng cảm thấy một miền đất khác sẽ là nơi cư ngụ vĩnh hằng của con một ngày đẹp trời nào đó. Nhưng lập tức những đám mây mù vội đến giăng kín ngay và càng ngày chúng càng dày đặc…Tất cả đều như biến mất!…Thưa Mẹ yêu quý… nếu Mẹ nghĩ rằng theo những tâm tình được con ghi lại trong những bài thơ con sáng tác trong năm qua hẳn tâm hồn con đã phải ngập tràn một niềm ủi an vô bơ,ø để rồi nhờ đó mà bức màn của đức tin được chọc thủng…Không đâu Mẹ, không chỉ là một bức màn tăm tối đối với con nhưng là cả một bức tường cao ngất trời đang che khuất cả thinh không đầy tinh tú…Mỗi khi con ca hát hạnh phúc Quê Trời hay niềm vui được ở bên Chúa.., con tim con chẳng cảm nếm được một chút niềm vui nào cả, bởi vì con chỉ hát khen những gì CON MUỐN TIN mà thôi (6) .”

Như thế « quả núi được dời đi » ở đây không phải là Núi Ngự Bình « trước tròn sau méo » của xứ Huế chúng ta hay đỉnh Everest cao ngất trời trong dãy Hy-mã-lạp-sơn mà là « ngọn núi đầy sương mù » ở trong tâm hồn của Têrêxa khi Chị nỗ lực muốn tin với tất cả tình yêu và ý chí. Quả thật, ý nghĩa của cuộc đời mỗi người không bao giờ là một cái gì đó đã được làm sẵn (kiểu « mì ăn liền »). Mỗi người hãy làm cho đời mình có ý nghĩa. Và hãy nhớ rằng đó chính là mục tiêu tối hậu mà Mạc Khải của Thiên Chúa nhắm tới. Sự đa diện của những câu trả lời và những kinh nghiệm khác nhau về ý nghĩa của cuộc đời không bao giờ là mối đe dọa đối với Mạc Khải; trái lại sự đa diện đó là cách diễn tả hay nhất, hoàn hảo nhất của mối tương quan thâm tình mà Thiên Chúa muốn xây dựng nơi từng mỗi cá nhân con người. Người gieo giống ra đi… rất hào phóng và công bằng (Mt 13, 3-9). Phần còn lại là thái độ và chất lượng khác nhau của đất. Chỉ nguyên trên những mảnh « đất tốt » thôi cũng có nhiều kết qủa khác nhau : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Hãy cầm lấy cuộc đời trên đôi tay của mình mà bước đi với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa chỉ có « một điều duy nhất », tức là chính Người, để mạc khải cho tôi thì câu trả lời duy nhất của tôi cũng chỉ có thể là hành vi trao hiến hoàn toàn cho Người, một sự trao hiến vô điều kiện, trao hiến đòi ta phải liên lỉ dấn thân.

+ Nhưng để hiểu Mạc Khải theo đúng ý của Công Đồng và như phân tích tâm lý trên đây cho thấy, không những chúng ta phải trở lại với chính mình mà còn trở lại với người khác nữa. Đúng hơn, chúng ta nên bắt đầu từ « nơi người khác », vì thường ta dễ khám phá ra « nơi người khác » điều mà ta vẫn chưa nhận ra nơi chính bản thân mình, thậm chí trong mình. Truyền thống cho thấy Mạc Khải đến với chúng ta qua trung gian những con người, đàn ông có đàn bà có, già có trẻ có, vốn đã đi trước chúng ta: các tổ phụ, các « ngôn sứ », Đức Giêsu thành Nadarét và đông đảo các tín hữu khác không sao kể xiết được. Như thế, Đức tin không phải là cái gì hoàn toàn cá nhân mà còn mang tính cộng đoàn. Đức tin là hành vi của mỗi người, tức là sự hoán cải nội tâm (conversion du coeur) nhưng cũng phải cần đến những người « dẫn đường » (guides). Nhưng những người khác đó, dù là các ngôn sứ hoặc chính Đức Kitô, có thể làm cho tôi nắm bắt được điều mà chính tôi không tự mình thấy không? Không phải là lịch sử đã tạo một khoãng cách quá xa giữa tôi và họ hay sao? Đứng trước những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự chúng ta có thể trả lời ngay rằng: không, chính tôi sẽ cảm nghiệm, sẽ sống cái chân lý đến từ « bên ngoài » này ngay trong trung tâm « nội giới » của con người tôi. Nhưng bằng cách nào ?

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay StPaul

3. Mạc Khải theo «kinh nghiệm» của Phaolô

Chính trong viễn tượng đó mà chúng ta đọc lại Kinh Thánh mỗi ngày, một « kinh » không trình bày cho ta những giáo huấn đã được khái niệm hóa, công thức hóa cách trừu tượng, nhưng dọn ra trước mặt ta những nẻo đường kinh nghiệm khác nhau. Kinh Thánh dạy cho ta biết rằng Mạc Khải đã xảy ra trong lịch sử cụ thể của một dân tộc cụ thể là Israel, của những con người bằng xương bằng thịt là Abraham, Môsê, Đavít, Phêrô, Phaolô…. Mạc Khải đó đã đạt đến chóp đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô và từ đó vượt qua biên cương của nhiều dân tộc, nhiều thời đại để đến với chúng ta hôm nay. Nhưng, đọc Kinh Thánh là phải vuợt qua các thời đại, các chặng đường giáo huấn của Giáo Hội, rồi các chặng đường của khoa khảo cổ học để có thể tiếp cận được với một Mạc Khải đã xảy ra một lần thay cho tất cả vào lúc khởi đầu thôi hay sao ? Thật sự nhiều lúc chúng ta đã có cái cảm giác như thế. Nhưng Kinh Thánh lại mời ta đi vào cái « hôm nay » của Mạc Khải như nó đã được hoàn tất nơi cuộc gặp gỡ của Đức Kitô và các môn đệ của Người.

Để hiểu được cái « hôm nay » này, chúng ta hãy thử gõ cửa kinh nghiệm cá nhân của một « người khác » là Phaolô bằng cách trở về với bản văn cổ xưa nhất của Tân Ước, đó là thư thứ nhất vị Tông Đồ đã gởi giáo đoàn Thessalonica vào khoãng năm 51, trong đó ở chương thứ nhất Phaolôâ lần lượt nói đến việc « loan báo » (1Tx 1, 5) và « đón nhận » Tin Mừng (1Tx 1, 6-10). Trước tiên là việc loan báo. Cần lưu ý : Phaolô là một tác giả Sách Thánh thường tự xưng ở ngôi thứ nhất (« tôi »), nhưng khi thánh nhân quả quyết trong thư gửi giáo đoàn Galát: « Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20) thì ta có thể nói được rằng : bằng cách đó Phaolô đã tự đặt mình vào trong « truyền thống », vào trong chính Đức Kitô, Lời Duy Nhất của Thiên Chúa Cha. Nói cách khác, khẳng định như thế có nghĩa là Phaolô phải nỗ lực để cái tôi được xóa nhòa đi ngõ hầu hạt giống Tin Mừng là chính Đức Kitô có thể vươn lên, « hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi… » Vì thế, đối với Phaolô loan báo Tin Mừng, hay truyền thống, đồng nghĩa với dâng hiến mình (tradition = livraison). Lời chỉ sống khi mạng sống của kẻ mang Lời được cho đi : « Chúng tôi quý mến anh em đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà cả mạng sống của chúng tôi nữa » (1Tx 2, Cool. Theo thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, « truyền thống » này cắm rễ sâu trong chính công trình của Chúa : « Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh…bẻ ra và nói : « Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em » (1Cr 11, 23-24).

Đó là sứ vụ « loan báo ». Tiếp đến là việc « đón nhận ». Theo sự thường thì chúng ta có thể xuyên qua kinh nghiệm của Phaolô để đi đến cộng đoàn của người, rồi từ đó đến với các Tông Đồ, rồi từ các Tông Đồ đến với Đức Kitô để nối kết với « thời điểm » Mạc Khải đã xảy ra lúc ban đầu. Nhưng sự việc lại không xảy ra theo cách đó. Dưới cái nhìn của Phaolô, để có được sự « lưu truyền » Mạc Khải, người đón nhận không chỉ nhận cách thụ động một lời nói đến từ bên ngoài. Họ phải khám phá ra rằng Lời họ nghe, tức là chính Đức Kitô, đã hoạt động trong họ. Chính lúc đó lời rao giảng mới đích thực là Lời của Thiên Chúa: « Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những kẻ tin » (1Tx 2, 13). Như thế chúng ta khám phá ở đây một định luật cơ bản: Lời đã hoạt động trong người nhận lãnh Lời. Kinh nghiệm này làm đảo lộn các trình bày về một Mạc Khải đã chỉ xảy ra một lần vào lúc khởi đầu. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Phaolô đồng nhất Mạc Khải này với việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho thánh nhân: « Sau hết Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non »(1Cr 15, Cool. Nói cách khác, đối với Phaolô, biến cố Đấng Phục Sinh hiện ra chẳng là gì khác ngoài Mạc Khải của Chúa Con trong chính bản thân kẻ « sinh non » này. Nhưng điều đã xảy ra cho Phaolô có thể xảy ra cho tôi không? Trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Phaolô mô tả và phổ quát hóa kinh nghiệm này nơi mọi tín hữu cách rõ ràng : « Chính Thiên Chúa rực sáng lên trong lòng người tín hữu (Dieu lui-même brille dans le coeur du croyant) để làm rạng ngời tri thức về vinh quang của Người, một vinh quang tỏa sáng trên nhan thánh Đức Kitô » (2Cr 4, 6).

Như thế, Mạc Khải không chỉ « xảy ra » ở điểm khởi đầu của việc lưu truyền, của giây chuyền « truyền thống ». Mạc Khải hoạt động thực sự mỗi khi xảy ra biến cố duy nhất và độc đáo của việc đón nhận Lời trong đức tin. Bởi đó ta có thể nói rằng kinh nghiệm thiêng liêng của các phần tử Dân Chúa luôn là một yếu tố của truyền thống. Hiểu như thế, truyền thống không phải là một cái gì đã qua, đã xa vời, thậm chí xa lạ và « cổ hũ ». Chúng ta phải góp phần « làm ra » truyền thống, « làm ra » chân lý, một chân lý « luôn luôn lớn hơn » về một « Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn » (toujours plus grand). Đó là ý hướng của Công Đồng Vatican II khi khẳng định : « Qua bao thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý » (DV Cool. Phải thú nhận rằng, chính các từ ngữ Phaolô dùng trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thessalonica như « bắt chước » (1Tx 1, 6-7), « noi gương »(1Tx 2, 14) có thể làm ta nghĩ đến một sự tái tạo máy móc nơi các tín hữu. Nhưng Phaolô không ngừng nhắc nhở các độc giả của người phải để ý đến đặc tính duy nhất và nội tâm của việc đón nhận Mạc Khải. Trong thư gởi Galát, Phaolô xác tín : « Tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người… nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải…Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ,…. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người trong tôi… ».” (Gl 1, 11tt).

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay Mackhai

4. Sống « Mạc khải » hôm nay

Không phải Đức Giêsu cũng chẳng phải các kitô hữu đầu tiên đã sáng tạo ra từ « Mạc Khải của Thiên Chúa ». Họ đã vay mượn từ này từ chính môi trường tôn giáo cũng như văn hóa của họ và đã biến đổi nó để nói lên điều họ muốn nói. Câu hỏi cơ bản sẽ là: căn cứ vào đâu để nhận ra rằng Mạc Khải đã xẩy ra trong lịch sử ? Chính xác hơn: dựa vào đâu để nhận ra sự hiện diện của Mạc Khải hôm nay, trong cuộc sống đời thường của tôi ? Những câu hỏi ấy sẽ giúp ta tìm kiếm trong môi trường giáo hội và xã hội thường ngày của Việt Nam những « nơi » (lieux) mà ta có thể nhận diện được dấu vết của Mạc Khải. Trong khuôn khổ của bài này chúng ta chỉ trưng dẫn hai « nơi » có thể « tạo nên » Mạc Khải : Lời Chúa (nhất là Lời Chúa trong phụng vụ) và gặp gỡ tha nhân.

a) Trước hết, mỗi thời đại và trong những môi trường văn hóa khác nhau đều được mời gọi đọc Kinh Thánh và khám phá ra những nẻo đường mới mẻ để đi vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng trước hết cần lưu ý kitô giáo không phải là Đạo của một cuốn Sách, dù đó là Sách Thánh. Chỉ có Hồi giáo là tôn giáo duy nhất xứng danh là « tôn giáo của Sách », vì đối với người Hồi giáo Kinh Coran đã được Thiên Chúa đọc (dicté) cho vị tiên tri, bởi đó tất cả những gì ghi trong Sách này đều là Lời Chúa trực tiếp. Đối kitô giáo, Thiên Chúa luôn mạc khải chính mình Người qua các trung gian mà chóp đỉnh là Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và cư ngụ giữa chúng ta.

Tiếp đến cũng cần lưu ý: theo thư gửi tín hữu Do Thái, Mạc Khải cũng như chức Linh Mục của Chúa Kitô phải là độc nhất và vĩnh viễn, vì thế một vài Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II đã muốn khẳng định thêm là « Mạc Khải đã chấm dứt với các Tông Đồ », nhưng văn bản cuối cùng đã bác bỏ ý kiến đó, lý do là « vì đó là một lời giải thích đang được bàn cãi (7) ». Thật vậy, khi Công Đồng quả quyết « chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (DV 4; x. 1Tm 6, 14 ; Tt 2, 13), Công Đồng không có ý nói mầu nhiệm Thiên Chúa đã được tát cạn. Thiên Chúa của chúng ta muôn đời vẫn là một Thiên Chúa giấu ẩn, một Thiên Chúa « luôn luôn lớn hơn », nghĩa là một vị Thiên Chúa không ngừng đến mỗi ngày (Celui qui était, qui est et qui vient), nhất là trong Lời của Người và trong Hy Tế Thánh Thể. Ngay cả sự hiện diện của Người cũng là một sự hiện diện đang đến. Khi tuyên xưng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là chóp đỉnh của Mạc Khải, chúng ta không được quên rằng Phục Sinh và Quang Lâm là một, mà Quang Lâm chung cuộc chỉ xảy ra ở điểm tận cùng của lịch sử và thời gian. Hôm nay chúng ta vẫn đang đợi chờ, không phải đợi chờ Chúa « trở lại » (son retour) như thể Người đang vắng mặt, đang đi xa chưa về! Đợi chờ là sống với một Đấng đang đến. Trong Thánh Lễ, sau phần Truyền Phép, chúng ta tung hô Đức Giêsu Kitô là Đấng đã chết, đã sống lại nhưng chúng ta thường quên chờ đợi Người đang đến và sẽ đến.

Cũng vậy, Lời Chúa không giới hạn trong các sách Kinh Thánh, dù Kinh Thánh là nơi cư ngụ ưu tiên, là « nhà tạm » của Lời Chúa. Lời Chúa đang đến mỗi ngày và luôn luôn tươi mới, vì thế những chữ gần như cuối cùng của Kinh Thánh trong sách Khải Huyền (là sách « mạc khải » đúng nghĩa nhất) là một lời nguyện nài xin Chúa đến : « Thần Khí và Tân Nương nói : « Xin Ngài ngự đến !» (Kh 22, 17). Hiểu như thế, « đọc » Lời Chúa (lectio divina), một Lời Chúa đang đến « không chỉ là hành vi của môi miệng hay khả năng của tâm trí, nhưng là sự giao thoa gặp gỡ, thậm chí là « va chạm » giữa hai thế giới, thế giới của bản văn và thế giới của người đọc ; và cũng như sau bất cứ một cuộc gặp gỡ hay va chạm đích thực nào, không ai trở về mà lại không mang một vết thương (Cool », nghĩa là sự hoán cải nội tâm cách sâu xa (9). Muốn thế, mỗi lần đến với Lời Chúa người đọc không chỉ phải « cầm trí cầm lòng » nhưng phải « cầm chính cả cuộc đời mình (10) » để được Tin Mừng biến đổi dưới tác động của Thần Khí, « trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người » (1Cr 1, 7). Thánh Grêgôriô tóm gọn tiến trình này bằng công thức: « Thánh Kinh lớn lên và phát triển cùng với người đọc » (Scriptura crescit cum legente) (11) .

b) Sau gặp gỡ Lời Chúa là gặp gỡ tha nhân. Thật vậy, gặp gỡ tha nhân là một « nơi » ưu tuyển để khám phá ra dấu vết của Mạc Khải. Điều hiển nhiên là trong đời sống thường ngày, các liên hệ vốn luôn đi trước chúng ta: liên hệ gia đình, huyết thống, liên hệ xã hội. Như đã nói ở phần kinh nghiệm về mạc khải trong đời thường, có những « va chạm » với tha nhân thật sự là những « mạc khải », có những tình huống trong đời có tiềm năng « khai mở » (situations d’ouverture) cách dồi dào và cho ta những dự phóng mới. Đó chính là những lúc cao điểm để ta sống đức tin và nhận ra những cái mới trong đời để đi đến một chọn lựa một quyết định dấn thân phục vụ tha nhân. Hãy nhớ rằng đối với truyền thống Do thái giáo và kitô giáo, sự xuất hiện dứt khoát của cái mới là đặc tính chủ yếu của Mạc Khải. Không ai có thể thay thế ta để trả lời tiếng Chúa mời gọi ta. Quyết định kết hôn với một người hay khấn trọn đời trong một hội dòng chẳng hạn, đều là những bước quyết định. Đành rằng mọi sự nơi con người đều là tương đối, nhưng không gì có thể loại trừ khả năng dấn thân trọn vẹn của ta trong một niềm trung tín với chính bản thân mình và với tha nhân cho đến trọn đời. Một cách nào đó, chính niềm trung tín nầy cho thấy trước việc hoàn tất của lịch sử.

Theo cha C. Théobald, tác giả đã gợi hứng rất nhiều cho những chia sẻ này, « tất cả những quyết định thúc đẩy con người dấn thân đến độ chấp nhận sự sống lẫn cái chết cho thấy rằng vĩnh cữu đã thực sự hiện diện trong thời gian. Những tương quan với tha nhân của chúng ta cũng thế, ngay khi chúng ẩn chứa sự vững bền và lòng trung tín thì chúng đã đi vào vĩnh cữu rồi vậy (12) » .”

MẠC KHẢI  và  đức tin của ngươi trẻ hôm nay HEALING_02

Kết luận : Lúc bức màn rơi xuống…

Dĩ nhiên chúng ta cần tỉnh táo để đừng « nhốt » Thiên Chúa vào trong những « kinh nghiệm » nhỏ bé và nghèo hèn của con người, dù là những kinh nghiệm sống Tin Mừng. Nhưng nếu chúng ta khẳng định rằng: cũng như Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa và cũng là lời của con người, thì chúng ta cũng có thể nói Mạc Khải là việc của Thiên Chúa và là « việc của con người » ; hay đúng hơn: Mạc khải của Thiên Chúa chỉ thực sự đạt đến « địa chỉ » của nó khi con người cọng tác với Thiên Chúa trong đức tin, tình yêu và niềm hy vọng. Cũng như Kinh Thánh gồm nhiều sách, nhưng Kinh Thánh cũng là một Sách thôi (Sách Thánh), những nẻo đường của Mạc Khải Thiên Chúa thì nhiều vô số nhưng tất cả ấy cũng chỉ là một Mạc Khải duy nhất : Thiên Chúa muốn cứu độ con người. Lời cha Henri de Lubac nói về mối quan hệ hỗ tương giữa Lời Chúa và hoán cải cũng có thể áp dụng vào mối tương quan giữa Mạc Khải và cứu độ : “Lời Chúa là Lời sống động và đầy hiệu năng. Lời ấy chỉ đạt đến sự viên thành thực sự cũng như ý nghĩa tròn đầy của nó ngang qua sự biến đổi mà nó thực hiện nơi người đón nhận nó. Từ đó ta có thành ngữ “đạt đến tri thức thiêng liêng”, một thành ngữ tương đương với việc “trở lại với Đức Kitô”â, một cuộc trở lại không bao giờ có thể nói được là đã xong, đã hoàn thành. Giữa cuộc « trở lại với Đức Kitô » [… ] và sự hiểu biết về Kinh Thánh có một quan hệ nhân quả hỗ tương : chính lúc con người hoán cải trở về cùng Chúa là lúc bức màn sẽ rơi xuống: Cum autem conversus fuerit ad Dominum, auferetur velamen (13) .

Nói cách khác, bức màn che kín khuôn mặt (figure) của Tin Mừng, tức là khuôn mặt của chính Đức Kitô, chỉ rơi xuống cách trọn vẹn cho người tín hữu đang hoán cải mà thôi, vì thế Đức Giêsu đã liên kết cả ba yếu tố đó trong lời mời gọi đầu tiên : « Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng » (Mc 1, 15).

Lm Giuse Hồ Thứ

NNH Sk...

——————————–

(1) Một cách tổng quát, nội dung của bài này được cảm hứng và theo sát những gợi ý của cha Ch. Théobald, trong La Révélation…, coll. “Tout simplement”, số 31, Paris, Les Éd. De l’Atelier/Éd. Ouvrières, 2001.
(2) Xem Le Petit Robert, chữ « Révéler », do Christoph Théobald trích dẫn trong La Révélation, op.cit, trang 18.
(3) ĐGM Võ Đức Minh, « Hiến chế “Dei Verbum”, 40 năm nhìn lại », trong Lời Chúa trong đời sống Hội Thánh. Tài liệu Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Đà Lạt, 2005, trang 11-12.
(4) Cf. Paul Beauchamp, Parler d’Ecritures saintes, Paris, Seuil, 1987, trang 22.
(5) Felipe Gomez, Kitô học, I, Manila, East Asian Pastoral Institute, 2002, trang 24.
(6) Thérèse de l’Enfant Jésus, Manuscrit adressé à Mère Marie de Gonzague (Manuscrit « C »), trong Oevres complètes, Paris, Le Cerf, DDB, 1992, trang 232 tt.
(7) Xem Thánh Công Đồng Chung Vatican II, Đà Lạt, Phân Khoa Thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X xuất bản, 1972, trang 571, chú thích 13 của cha F. Gomez.
(Cool Xem Nguyễn Quốc Lâm, « Lectio Divina hay dụ ngôn về viên ngọc quý », Lời Chúa trong đời sống Hội Thánh. Tài liệu Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Đà Lạt, 2005, trang 235.
(9) Theo F. Gomez trong Thánh Công Đồng Chung Vatican II, op., cit., trang 13, không có tiến triển « trong » Mạc Khải, nhưng « vẫn tiến triển trong việc chúng ta hiểu biết và thực hành Phúc Âm ».
(10) Xem Nguyễn Quốc Lâm, op., cit., trang 250.
(11) B. Calati, « Parole de Dieu », trong Dictionnaire de la vie spirituelle, Paris, Cerf, 2001, trang 798.
(12) C. Théobald, op., cit., trang 134.
(13 H. de Lubac, l’Ecriture dans la tradition, Aubier, 1966, trang 35. Trích dẫn bởi B. Calati, op. cit., trang 801.
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
MẠC KHẢI và đức tin của ngươi trẻ hôm nay
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Người Mẫu xinh đẹp công khai toàn bộ quá trình chuyển giới.
» 18 điều khiến người Mỹ ngưỡng mộ người Việt...
» MẠC KHẢI LÀ GÌ ?
» Hình ảnh khai mạc Tháng Hoa...
» Người mẫu xuất gia...

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến