Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.  Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.    Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.  EmptyWed May 11, 2011 7:35 pm

GIÁO XỨ ........

_____________________ Bài cảm nhận
Nhân buổi nói chuyện của Linh mục Chánh xứ
với giới Gia Trưởng – Hiền mẫu
Qua đề tài: Gia đình & cuộc sống - Ngày 07-06-2008.

______________________________

Kính thưa Cha.
Trước hết, đây là lần thứ hai - con xin chân thành cảm ơn Cha đã tổ chức buổi nói chuyện chủ đề cho giới gia trưởng nói chung và cho các bậc phụ huynh nói riêng một buổi nói chuyện về tinh thần Mục vụ Giáo dục KiTô giáo của năm 2008.

Qua bài nói chuyện của Cha, chúng con ghi nhận được gồm có 4 phần như sau:

1- Sống và làm việc chung trong gia đình:

Câu chuyện xoay quanh chủ đề Sống & làm việc, bài nói về một gia đình hai vợ chồng là những người tàn tật, gặp nhau sau một buổi họp mặt Vượt khó vươn lên để rồi thành vợ thành chồng, kết quả là Trời đã cho anh chị hai người con và đã được thành đạt trong cuộc sống. Cuộc sống bình dị cứ lặng lẽ trôi qua với thời gian, một niềm hạnh phúc vô biên đến với gia đình anh chị nhờ mọi người trong gia đình biết đoàn kết và thương yêu, cùng nhau thông cảm cho số phận, nói đúng hơn cho dù tàn tật nhưng họ vẫn biết an phận – sống và làm việc trong tinh thần KiTô giáo, nhờ Ơn Trời, họ đã có một gia đình thanh nhàn và liêm khiết, nuôi dạy con cái theo tinh thần Phúc âm hoá cuộc sống… Tuy nhiên trên bước đường đời họ đôi lúc cũng gặp nhiều tuyệt vọng nhưng bài nói chuyện không khi nào đề cập đến vấn đề bi quan, chỉ biết chấp nhận đó là Thánh Ý của Thiên Chúa, và họ đã chấp nhận như thế…

2- Bữa cơm chung trong gia đình:

Bàn ăn, bữa cơm trong gia đình là một buổi họp mặt để trao đổi những thông tin và các vấn đề liên quan đến cuộc sống. Trong cuộc sống bàn ăn sẽ là nơi được quyết định cho tất cả mọi vấn đề, bàn ăn đôi khi có hiệu quả rất lớn hơn bàn họp, hoặc trên bàn làm việc… Trong gia đình bàn ăn là nơi được trao đổi, truyền đạt những vấn đề, những thông tin liên quan trong công việc để xây dựng một gia đình hạnh phúc và lý tưởng. Như vậy bữa cơm chung trong gia đình góp phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình. Một bữa cơm trong gia đình đôi khi là một buổi học tập của người chủ với các thành viên, có khi là một buổi vui chơi, nhưng cũng có khi đó là một cuộc tranh luận căng thẳng giữa các thành viên (khi những thành viên là người lớn biết nhận thức) và cũng có thể gây nên bầu không khí u ám và mất đi tính tự nhiên của nó, hoặc cũng có đôi khi vì những chuyện tranh cãi, một hai người sẽ phải bỏ bàn ăn đi nơi khác.

3- Gia đình cùng giải trí:

Câu chuyện kể về một gia đình có hai thế hệ, thông thường sau bữa cơm chung
cùng gia đình vào buổi tối, thì đã có thói quen ngồi quây quần cùng nhau để thưởng thức những chương trình Ti vi… hay là cùng nhau ngồi lại để bàn luận một đề tài nào đó, để các thành viên trong gia đình cùng thống nhất nhau với một quan điểm, hoặc cao hơn nữa, có những gia đình bên trời Au vào cuối tuần thì cả gia đình cùng nhau đi xem phim hay tham dự một buổi hoà nhạc nào đó; cũng có những gia đình đóng cửa nhà lại và cùng nhau tổ chức đi Picnic, dã ngoại, hoặc cùng nhau tham gia buổi cắm trại gia đình tại một vùng quê yên tĩnh, công việc vui chơi và giải trí cùng gia đình vẫn diễn ra tốt đẹp trong tinh thần thương yêu nhau… Còn ở tại Việt Nam, đối với những gia đình trung lưu trở lên họ thường tổ chức đi tham quan tại các công viên nổi tiếng, đi nghỉ mát ở bãi biển, nếu được dài ngày hơn thì họ đi du lịch nơi xa nào đó; một điều hay hơn nữa là có một vài thành viên nếu không đi chơi cùng gia đình thì họ lại đắm mình vào trong các giảng đường để tham dự các buổi diễn thuyết mang một chủ đề về xã hội ( )…

4- Gia đình cầu nguyện:

Trong câu chuyện cũng nói về một gia đình tàn tật và đã có một cuộc sống thật êm ả và bình yên, có đôi khi trên bước đường đời đã có những vấp ngã gây nên tuyệt vọng, nhưng họ đã biết tìm đến Ơn Thiêng liêng, họ đã biết cầu nguyện, vì cầu nguyện là những giây phút gặp gỡ với Thiên Chúa, tâm tình cùng với Ngài để trút đi gánh nặng trong tâm hồn và trong cuộc sống, khi cuộc sống con người xô bồ và đầy dẫy những thăng trầm - thì lý tưởng sống của họ sẽ tìm đến Thiên Chúa để chia xẻ những điều không may và tinh thần của họ sẽ được thanh thản, mong mỏi với bàn tay quyền năng của Thượng đế sẽ từ từ giải toả khó khăn ấy cho họ.

Cầu nguyện – Gia đình cầu nguyện, một hình thức tốt đẹp nhất trong cuộc sống của những gia đình KiTô giáo mà hẵn nhiên không dễ ai thực hiện, với cuộc sống kỹ thuật số như thời đại ngày nay thì khó mà tập hợp được các thành viên trong gia đình lại để cùng nhau cầu nguyện với giây phút đọc kinh chung trong gia đình, cái truyền thống tốt đẹp ấy sẽ không ai ý kiến gì cho chiều hướng cực đoan trong lĩnh vực tôn giáo… Có thể nói đây là những giây phút để các thành viên trong gia đình cùng nhau dâng lên Thiên Chúa và xin Mẹ Maria ban Ơn lành và mọi sự bình yên cho cuộc sống, nhưng ngày hôm nay cuộc sống với những phương tiện kỹ thuật và nhiều điều kiện đa năng đã làm cho con người bị chi phối thời gian và ảnh hưởng nhiều đến công việc…

* Phần cảm nhận:
Qua bài nói chuyện của Linh mục – về chủ đề Gia đình và Cuộc sống; người ta thường nói: Gia đình là tế bào của xã hội – Gia đình có tốt thì xã hội mới bền vững và phát triển, cho dù gia đình có thuộc về một tôn giáo nào đi chăng nữa thì cái tế bào ấy của xã hội vẫn luôn luôn là một thành ngữ bất di bất dịch trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhất là những gia đình KiTô giáo, cần nên thể hiện rõ những đức tính đặc thù của con người KiTô hữu trong cuộc sống thường nhật. Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới phát triển với một cuộc sống Kỹ thuật số hiện đại… Không còn như ngày xưa ông bà chúng ta với triết lý con trâu đi trước – cái bừa theo sau, mà thời đại ngày hôm nay thực tiễn chạy trước ý tưởng, cuộc sống nói chung phát triển theo từng ngày, từng giờ, nhưng cái chân lý Gia đình luôn luôn là một triết lý khá bền vững để cho các nhà uyên bác phải chú tâm và luận bàn song song với thời kỳ phát triển, cho dù ngày nay con người xem việc ý tưởng hoá bay ra ngoài vũ trụ để khám phá thì đó là những công việc thực tiễn có tính vật chất, nhưng với quyền năng của thuyết duy tâm thì con người không thể qua đi được cái quyền năng tạo hoá của Thượng đế; chúng ta vẫn còn nhớ ngày xưa khi thưởng thức bộ phim Tây Du ký – Tôn Ngộ Không đã bay lên đến Trời và Phật Thích Ca có nói: Nếu con bay ra khỏi bàn tay của Ta, thì Ta sẽ cho con quyền năng tất cả ! Với phép thần thông biến hoá của Tôn Ngộ Không bay ngàn dặm trong vũ trụ nhưng cũng không qua khỏi phạm vi bàn tay của Đức Phật. Câu chuyện hi hữu có tính siêu nhiên như thế đã cho chúng ta thấy rằng: Con người cho dù có giỏi đến đâu thì cũng không bao giờ qua được quyền năng tạo hoá của Thượng đế, của Trời đất…

Hôm nay – bài nói chuyện của Linh mục bàn về Gia đình, một vấn đề nhỏ nhưng không thể nhỏ được, như chúng ta đã biết: Gia đình là những tế bào – nếu những tế bào đó có bị hư đi (nếu không chữa trị) thì sẽ bị lan toả qua các tế bào khác, vì thế Gia đình phải được đi đôi với sự giáo dục, một nền giáo dục phải được hấp thụ từ những vấn đề chân chính được đặt ra. Ở đây chúng ta nói đến thế hệ trước và thế hệ sau; thế hệ trước là những lớp người xưa cổ (ông bà) thế hệ sau là những bậc cha mẹ, và thế hệ hậu sinh là lớp con cháu; tuy nhiên ai cũng nhìn nhận rằng: nếu không có trước thì làm sao có sau: Ông bà, cha mẹ là những lớp người khai hoang đi trước để sản sinh ra thời đại, con cháu là những lớp người đi theo, tuỳ theo khả năng giáo dục và sự tiếp thu với thế giới bên ngoài, lớp con cháu ấy đã có những ý tưởng siêu phàm – đó là bước tiên tiến và phát triển cho ngày hôm nay.

Con người cho dù có thông minh đến đâu, siêu việt đến đâu thì ai ai cũng hiểu: sẽ không bao giờ qua nỗi cái quyền năng của tạo hoá, do đó - bất cứ ai cũng được tạo hoá cho khởi đầu từ gia đình, có thể nói Gia đình là một tổ ấm, mái trường giáo dục đầu tiên trong cuộc sống của mỗi con người. Nếu sự giáo dục nhỏ nhoi ấy không hướng thiện cho mỗi con người chúng ta thì cả một cuộc đời về sau sẽ đi vào một chiều hướng khác biệt. Vì vậy chủ đề Gia đình & Cuộc sống qua bài nói chuyện của Linh mục Chánh xứ Xuân KiTô cũng làm cho chúng ta luận bàn với những đặc thù sau đây:

1- Gia đình - Sống và làm việc:

Từ thời cổ lai hy – có thể nói Gia đình là tất cả, xã hội có toàn vẹn hay không thì cũng phải được xuất phát từ gia đình, gia đình là một mầm mống nên hay hư thì cũng do một nền giáo dục qua từng thời kỳ sống của con người và của cả xã hội. Nhìn lại từ thời kỳ đồ đá, con người còn ăn lông ở lỗ, gia đình là một tập hợp quần thể chung chung, một nhóm người sống quây quần trong một xã hội thu nhỏ – cho đến khi ý thức hệ được hình thành, tinh thần máu huyết thân tộc được nhận thức rõ từ con người thì gia đình mới được hình thành rõ nét, qua các thời kỳ – qua những thời kỳ, ý thức hệ được phát sinh để đem đến nền văn minh sơ đẳng, bước qua thời kỳ đồ đá, con người đã được phát triển và hình thành nhưng với chỉ ở một góc độ nhỏ nhoi… Đến hôm nay khi nền văn minh của nhân loại con người đã tăng trưởng tột bậc thì gia đình hầu như không còn là một vấn đề bàn luận có tính cổ hũ nữa. Không phải chúng ta sống trong thời đại hôm nay mà quên đi cái truyền thống tốt đẹp và cao quý ấy.

Vì thế – trong thời đại người ta gọi là Cuộc sống kỹ thuật số hôm nay, có thể nói hầu như gia đình bị quên lãng trong tầm thức của con người. Vấn đề thứ nhất là: Sống và làm việc; hầu như con người đã quá văn minh, bởi vì bây giờ trong một xã hội tiên tiến và phát triển, gia đình đều bị chia năm xẻ bảy để mỗi con người thành viên ấy đều có những công việc riêng cho mình (cha mẹ sống ở quê nhà, con cái làm việc ở thành thị) thì làm sao có thể sống và làm việc chung ? ! Vì vậy với những gia đình từ trung bình trở lên thì hầu như không thể tập hợp được cái quần thể ấy để răn dạy và bảo nhau trong cuộc sống. Qua câu chuyện của Linh mục – thì cái gia đình tiêu biểu của anh Phi và Chị Khanh trong câu chuyện – chưa phù hợp với những gia đình thực tiễn hôm nay, hiện nay trong giáo xứ chúng ta có được mấy gia đình tập hợp được đông đủ ! Có chăng đi nữa thì đó là những gia đình cày sâu cuốc bẫm, quanh năm lam lũ với ruộng vườn, đồng áng để mưu sinh, để cuối tuần được nghỉ ngơi và nhớ đến Chúa vào ngày Chúa Nhật ! Được mấy ai trong một giáo xứ nhỏ bé này ý thức được gia đình là một xã hội thu nhỏ trong lĩnh vực KiTô hữu ! Vì thế – qua công việc thường nhật của mỗi con người chúng ta, thì vấn đề giáo dục gia đình hầu như từ từ đã bị quên lãng… không phải do các bậc cha mẹ không biết giáo dục, không phải cho lớp người thế hệ trước chưa ý thức, những lúc cũng muốn con cái tập hợp trong một phút chốc vô tình nào đó để dặn dò và khuyên bảo, dạy dỗ, nhưng không thể có được, khi thì đứa này đi công việc, khi thì đứa nọ bận công việc, vì vậy việc tập hợp gia đình của thời đại ngày nay hầu như khó mà thực hiện được, không lẽ ngày đầu năm, con cháu làm ăn xa về đoàn tụ với gia đình mà người cha, người mẹ lại đem cái việc luân lý ra để dạy bảo, làm như vậy hình như sẽ mất đi cái hoà khí ngày Xuân trong gia đình, thế rồi lại thôi. Hơn nữa các bậc cha mẹ trong thời đại bây giờ thấy con cái đem về những cái điện thoại di động có tính kỹ thuật cao, ngồi trước chiếc máy tính (trong gia đình) để tra cứu những tin tức nóng bỏng trên toàn cầu, những máy này, máy nọ… thì hầu như đã quên đi đem cái chuyện truyền thống tốt đẹp ấy để răn dạy với con cháu. Và đôi khi các bậc cha mẹ cũng bị thu hút và hoà mình vào cái thế giới kỹ thuật cao cấp ấy…

Một điểm nữa – cũng nói đến vấn đề Sống và làm việc, thì trong câu chuyện gia đình của anh Phi và Chị Khanh, hình như là gia đình đang sống tại thành phố nào đó, nên đã có những giờ phút quay quần bên nhau, cộng thêm sự ý thức của hai người con đã lớn để biết nhận thức được hoàn cảnh gia đình, biết được phận hèn mọn của mình, có sánh vai với bạn bè giàu có cũng chẳng được, hơn nữa là một gia đình có giáo dục, hấp thụ một nền giáo dục bần hèn và ý nghĩa trong sự nghèo khó, nên đã thực sự hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống, do đó vấn đề Sống và làm việc tại một gia đình gương mẫu của anh chị Phi, quả là một gia đình rất thường gặp tại các thành phố lớn mà họ đang sống, nếu gia đình của anh chị Phi sống tại một vùng quê thôn dã nào đó, thì thử hỏi rằng khi hai người con đã lớn, có ý thức, lại phải đi học Đại học ở một thành phố nào đó thì thử hỏi: Cuộc sống gia đình có còn quây quần bên nhau hàng ngày nữa không ? Cha mẹ còn có thì giờ để bảo ban và răn dạy con cái được nữa không ? Nếu là một anh chị đạo đức – thì lúc ấy chỉ biết cầu nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn ban bình an và may mắn cho hai người con của họ !

Chính vì vậy – Gia đình Sống và làm việc cần phải có một điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn, lúc ấy các thành viên trong gia đình mới mong có dịp gặp mặt nhau, bảo hộ cho nhau với một niềm tin là trông cậy vào Thiên Chúa ( ); sống đức tin theo tinh thần Phúc âm hóa…

2- Vấn đề bữa cơm chung:

Kính thưa Cha !
Vào năm 1991 trong kỳ thi Tốt nghiệp Tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố có ra một đề thi về môn Tập làm văn cho học sinh Tốt nghiệp lớp 5 như sau: Em hãy miêu tả lại bữa cơm tối trong gia đình của em. Đây là một đề thi mà Trung tâm nghiên cứu Xã hội học tại Thành phố đã nhờ qua việc tìm hiểu về một trong những vấn đề an sinh xã hội. Qua đề thi đó Trung tâm nghiên cứu Xã hội học Thành phố Hồ Chí Minh đã có một bài kết luận nhận định như sau:

. . .Vấn đề đoàn tụ trong gia đình với các thành viên, trong xã hội hiện nay quả là một điều khó thực hiện; ngoại trừ những gia đình trung lưu trở lên thì việc đoàn tụ gia đình trong bữa cơm tối có đôi khi lại không được đầy đủ; còn những gia đình lao động nghèo khổ thì vấn đề hợp nhất các thành viên trong gia đình với một bữa cơm tối hầu như khó có thể thực hiện… Người cha thuộc thành phần lao động đa năng, có khi lại phải đi xa, người mẹ lo tảo tần buôn gánh bán bưng về đến nhà trời đã tối, con cái ở nhà với ông bà hoặc người thân, mạnh ai nấy ăn… Vì vậy việc đoàn tụ trong gia đình với bữa cơm tối hầu như khó có thể xảy ra. Với một xã hội còn chậm phát triển về kinh tế, người dân chưa đủ ăn, do đó việc tần tảo mưu sinh lao động buộc người dân phải cật lực một cách tích cực thì mới mong tồn tại sự sống. . .

Chúng ta phải đặt một câu hỏi: Tại sao trong quần thể gia đình các nhà tâm lý học lại phải mượn hình ảnh bữa cơm tối gia đình – qua việc trình bày của một em bé( ) để nhận xét và đánh giá cho toàn cảnh của xã hội ? mà không lấy hình ảnh một bữa điểm tâm hoặc bữa ăn trưa ! ? hoặc một ai khác hiểu biết hơn...

Qua bài nói chuyện của Linh mục – thì không đề cập đến bữa ăn nào trong ngày, bởi vì câu chuyện gia đình của Linh mục chỉ nói về bữa cơm chung trong gia đình, làm sao để có thời gian ngồi ăn cơm trong gia đình, đây là vấn đề cần luận bàn. Trong câu chuyện của Linh mục thì có một nhận định như sau: Bàn ăn là nơi có thể quyết định được mọi vấn đề, hoặc có thể là nơi ký kết được các hợp đồng, bàn ăn là một nơi có thể làm nên được tất cả mọi công việc, nhưng hình như câu chuyện của Linh mục chưa đề cập đến vấn đề: Bàn ăn là nơi có thể đi đến những sự tan vỡ, một khi chưa đồng nhất quan điểm với nhau.

Chúng con xin được nêu ra một vài đoạn văn của những học sinh lớp 5/1990-1991 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ thi Tốt nghiệp năm 1991 như sau ( ):

+ . . . Gia đình của em không khi nào được ăn cơm tối, bởi vì ba em đi đạp xích lô đến tối khuya mới về, còn mẹ em đi bán hàng ở ngoài chợ, đi học về em ở nhà và sáu giờ tối em lấy tô và xới cơm ăn do bà ngoại em ở nhà nấu. . .

+ . . . Em rất buồn vì nhà em không khi nào được ăn cơm chung với nhau, ở nhà chị của em làm việc tất cả, ba em thì chỉ có đi làm và đi nhậu, ba em làm thợ hồ có ai kêu thì làm còn không thì ít khi ở nhà, mẹ em thì đi bán vé số đến tối mới về nhà, nên ở nhà chỉ có mấy chị em, có khi em ngủ rồi mà ba mẹ em đi làm vẫn chưa về. . .

+ . . . Em không như những gia đình khác, nhà em chỉ có bốn mẹ con, ba em đã chết vì căn bệnh xơ gan, mẹ em thì buôn bán rau ở ngoài chợ, anh của em thì đi làm, chị thì ở nhà dọn dẹp việc nhà và nấu cơm giặt giũ, ở nhà em ít khi được ai chỉ dẫn cho học bài, nhiều khi có những bài toán khó không biết hỏi ai, cho nên nhà của em không khi nào có đủ người trong bữa cơm tối. . .


Điển hình hơn, một đoạn văn đã gây nên sự cảm xúc cho các chuyên gia ( ):
+ . . . Gia đình của em nghèo lắm, ở một miền quê nghèo sau khi bố thất nghiệp không có việc gì làm, bố của em mới đem gia đình vào thành phố để mong có miếng ăn qua ngày. . . vào đến đây sự cực khổ vẩn còn theo đuổi gia đình em hoài, ở nhà thuê, ba em xin đi dọn dẹp vệ sinh tại một khu chợ, mẹ thì bán rau, nhà em chỉ có bốn người, em của em thì còn nhỏ, ăn cơm trong gia đình thì ít khi mà có bởi vì việc ai nấy làm, bố mẹ thì đi suốt ngày có khi tối mịt mới về ở nhà hai chị em chăm sóc nhau, vừa học bài vừa trông nhà, em không dám làm quen với các bạn khác vì nhà các bạn ấy giàu có còn em thì nhà nghèo, bữa nào đi học các bạn ấy cũng có tiền nhiều, còn em thì không, vì vậy em thích nhất là có hôm nào đó mẹ em đi bán về sớm mua đồ ăn ngon nấu cho chị em ăn, nhưng còn thiếu bố chưa về. . .

Nhìn chung qua những đoạn văn nêu trên mà tác giả bài viết này đã được nghe qua sự nhận xét của các chuyên gia tâm lý xã hội học – thì bữa cơm tối trong gia đình là một vấn đề thiết yếu rất quan trọng nếu gia đình đó là một gia đình có nhận thức, thì người ta sẽ lợi dụng thời gian bữa cơm tối đó là được rất dài, chính trong bữa cơm đó các thành viên có thể đem chuyện làm ăn, chuyên kinh doanh, chuyện học hành và tất cả mọi chuyện để cùng nhau bàn bạc để cùng nhau thống nhất một quan điểm, cũng chính trong bữa cơm tối đó và kéo dài thời gian tiếp theo sau bữa cơm khi ngồi uống trà tại phòng khách, các thành viên trong gia đình có thể bàn bạc kỹ và sâu hơn mọi vấn đề, có đôi khi từ đó mà ngày mai mọi công việc mọi kế hoạch đều được suôn sẻ và trôi chảy. Người ta có thể bàn về vấn đề thời sự để liên quan đến vấn đề kinh tế, có thể bàn về những kế hoạch liên quan đến công việc thường nhật, có thể bàn về vấn đề tôn giáo và xã hội. Hoặc ngay cả những gia đình bần hèn có thể ngồi bàn bạc với nhau về việc buôn bán và trao đổi gì cho chuyến hàng ngày mai v..v…

Ngược lại có những gia đình cần có những ý kiến đóng góp cho dù là thô sơ và đơn giản để công việc sắp tới mong đem lại một hiệu quả nào đó nhưng cũng không có. Do đó bữa cơm tối trong gia đình có thể nói đây là một vấn đề rất thiết yếu – đúng như lời Linh mục đã nói trong câu chuyện thứ hai: bàn ăn (hoặc bàn nhậu) là nơi có thể quyết định được tất cả mọi vấn đề hoặc là nơi ký kết được mọi giao kèo trong đời sống của con người.

3- Vấn đề giải trí chung trong gia đình:

Trong bài nói chuyện của Linh mục – qua câu chuyện thứ ba là bàn về vấn đề giải trí trong gia đình, đây là một vấn đề cũng rất thiết yếu nhằm bình quân lại trạng thái tâm sinh lý của con người sau những giờ lao động cật lực (giảm stress); giải trí ở đây đối với những gia đình Á Đông chúng ta – theo thiển ý của chúng con – không thể so sánh được với những gia đình bên trời Âu, bởi vì bên kia có những gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần họ cùng gia đình đi picnic dã ngoại tại một địa điểm nghỉ mát nào đó, để giải tỏa những mệt mỏi căng thẳng trong lao động hàng ngày, còn ở chúng ta những gia đình Á Đông đã có mấy ai làm được những giờ phút thần tiên đó. Ai cũng hiểu: có làm là phải có nghỉ ngơi, giải trí. Chúng con muốn bàn về một thực tiễn của những gia đình lao động tại chúng ta.

Như bài nói chuyện của Linh mục đã đặt vấn đề: bàn ăn sẽ là nơi diễn ra những sự việc, nơi bàn bạc thảo luận các vấn đề,và bàn ăn cũng chính là nơi ký kết các giao kèo, các thỏa ước, các hợp đồng trong công việc và đời sống của chúng ta, cũng chính tại bàn ăn sẽ xảy ra những trận xung đột… Qua thời gian bữa cơm tối trong gia đình (đối với những gia đình có đông đủ các thành viên); chúng con xin đưa ra một tình huống như sau:

Bữa cơm tối kết thúc được suôn sẻ, cả gia đình đang đoàn tụ tại phòng khách để nói chuyện. Vào lúc 19 giờ chương trình truyền hình sẽ có các tiết mục:

- Chương trình thời sự của đài VTV1
- Chương trình GameShow thiếu nhi của đài HTV7
- Chương trình phim truyện của đài Đồng Nai
- Chương trình Cafe @ của đài VTVC…

Trong nhà chỉ có một chiếc Tivi thì ai sẽ nhường cho ai khi trong cùng một thời điểm mà nhiều người đều muốn xem ? Nếu một gia đình mà những người trong nhà đều biết nhận thức và biết nhường nhịn cho nhau thì mọi chuyện đều sẽ được êm đẹp! Ngược lại nếu trong một gia đình cứ coi trọng chủ nghĩa cá nhân thì ắt hẵn xung khắc sẽ ập đến và chúng ta sẽ biết hậu quả sẽ như thế nào ?

Giải trí – đây là vấn đề có thể nói được là quan trọng trong cuộc sống gia đình nhưng chúng con sẽ đưa ra những tình huống gia đình như sau:

Tại một gia đình hạng sang:
- Người cha là một viên chức hạng trung của Nhà Nước, người vợ là một công chức của Công ty Coca-Cola, người con cả là một kỹ sư xây dựng, con thứ đang học Đại học, cô con út học lớp 12, nhưng oái oăm thay thường thì sau bữa cơm tối lại thiếu vắng đi một hai người, khi thì người cha bận đi công tác xa, khi thì người con cả bận phải đi theo các công trình… như vậy cuộc sống thường nhật sẽ luôn thiếu vắng một hoặc hai thành viên, do đó mọi chuyện gì cần bàn trong thời điểm cấp bách sẽ được hoàn hảo không ?

Tại một gia đình lao động nghèo hèn:
- Người cha là một người đạp xích lô, người mẹ lo tảo tần buôn bán rau quả ngoài chợ, con cả và con thứ đi làm phụ hồ, con thứ ba học lớp 7, con út học lớp 5 – thông thường thì không khi nào trong bữa cơm tối lại đông đủ được các thành viên (kể cả ngày 30 Tết) nhà có Tivi, xem các chương trình trên truyền hình hầu như là một điều lạt lẽo, họa chăng chiếc Tivi ấy là để phục vụ cho hai người con út, nhà thì ở nhà thuê, cái chuyện gia đình ngồi họp bàn với nhau để cùng nhau thống nhất một quan điểm trong cuộc sống hầu như không có, chỉ có đôi lúc hai vợ chồng cùng nhau bàn thảo chuyện này chuyện nọ để quyết định đi đến hành động trong công việc làm ăn, có những đêm về - không người cha thì người con cả lại ngà ngà vì men rượu (không có vấn đề quậy phá). Và gia đình này hầu như không bao giờ để ý đến vấn đề họp bàn một vấn đề gì trong gia đình cả.

Một tình huống của một gia đình khác:
Một gia đình chuyên về việc đồng áng, hai ông bà có 5 người con; người chị cả và người em kế đang làm công nhân tại một xí nghiệp chế biến gỗ, ba người con còn lại đang đi học đứa lớn nhất mới lớp 8, đứa kế học lớp 6, đứa út mới lớp 3, các con nhỏ ngoài việc đi học về đôi lúc còn phải đi vào rẫy để phụ giúp cho cha mẹ các công việc lặt vặt như nhổ cỏ, chăn bò; bữa cơm tối trong gia đình đôi lúc đầy đủ cả các thành viên, nhưng không hiểu sao không khi nào đem vấn đề gì ra để bàn luận, từ chuyện đạo đức, làm ăn, cuộc sống… chỉ họa chăng chỉ có các câu hỏi của người cha:

- Hôm nay tao nghe thằng. . . . . . bị cô đánh vì không thuộc bài, tại sao vậy ?
- Con . . . . . . . đi làm về nhớ lo về sớm coi sóc các em nhỏ, không được đi chơi theo bạn bè !
Người mẹ thì thêm vào:
- Lương tháng vừa rồi mày làm gì mà còn ít vậy ? làm sao để mua sắm đồ đoàn sách vở cho em !

Hoặc câu chuyện sau đây (chuyện có thật): Một gia đình thuộc thành phần trí thức, có hai người con đã lớn sắp thành đạt trong cuộc sống, Cha mẹ đều là những nhà giáo, cô chị cả đã ra trường về nhận nhiệm sở tại một địa phương khác, cậu con trai út học ở trường Cao đẳng sắp sửa ra trường, hàng ngày đi vào đi ra chỉ có hai vợ chồng; đôi lúc ngồi tâm tình với bạn bè lại nói: nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng già với nhau, có muốn bảo ban gì con cái cũng không được, mỗi lần các cháu về chơi thì chỉ việc ngồi nghe nó báo cáo các công việc của nó mà thôi, lâu lâu chỉ khuyên bảo nó được vài câu, nhưng trong câu chuyện hầu như nó là chủ động… không hiểu lúc ấy buồn hay vui, và hầu như cuộc sống thời đại bây giờ là như thế… ( )

Sơ lược qua những tình huống của những gia đình đã được nêu trên trong xã hội hiện nay, chúng con hầu như nhận thấy rằng đó là một thực tiễn bất di bất dịch, hình như đó là những cách sống thực dụng của các gia đình chúng ta trong thời đại xã hội đang trên đà phát triển và tăng tốc. Thử hỏi lại rằng: Giải trí gia đình, ngồi lại hợp quần với nhau có còn là một truyền thống tốt đẹp với các dân tộc Á Đông còn tồn tại nữa hay không ? Nhiều gia đình từ cao sang đến bần hèn ắt hẵn sẽ mong muốn được như thế, nhưng thực tiễn nhất là trong thời đại sống kỹ thuật số này sẽ còn thể hiện được nữa không ? Đó là những gia đình tiêu biểu trong xã hội (không đề cập đến mặt trái của nó là: hỗn xược, vô lễ, và mất đạo lý tôn ti trật tự…)

4- Vấn đề Gia đình cầu nguyện:

Đây là một vấn đề không có gì phải bàn cãi, bởi vì những con người KiTô hữu và cả những gia đình KiTô giáo phải luôn cầu nguyện, cầu nguyện là ta đang tìm đến Chúa, đến gần Chúa hơn để mong được Ngài giúp đỡ, nếu không là người KiTô giáo, ngoài các tôn giáo khác, ai ai cũng phải nghĩ đến một Đấng siêu phàm vô hình nào đó; chẳng hạn như: Thiên Chúa, Phật Thích Ca, một Đấng khuất mặt, một vị Thần linh nào đó mà họ xem là một chủ thể chân lý trong cuộc sống của mỗi con người – thì cũng sẽ phải cầu nguyện, cầu xin, khẩn khoản nài xin… Do đó cầu nguyện (với gia đình KiTô giáo) cầu xin (gia đình theo một tôn giáo tâm linh nào đó) sẽ là một vấn đề ắt phải xảy ra và chúng ta cho đó là vấn đề rất là thiết thực với mỗi con người.

Trong tất cả mọi tôn giáo kể cả đạo Ông Bà – vấn đề cầu nguyện (hoặc khấn) nói chung là điều đương nhiên, trong câu chuyện thứ tư - bài nói chuyện của Linh mục, gia đình anh chị tàn tật có hai người con (đã thành đạt) cuộc sống đã gặp nhiều khó khăn chật vật nhưng nhờ bởi Ơn cầu nguyện mà họ đã có một kết quả khả quan. Thiên Chúa đã phù hộ giúp đỡ cho họ, nói đúng hơn đã tiếp sức cho họ có một nghị lực phi thường để tiếp tục qua cơn khốn cùng.

Ngày xưa Thánh Therèse Hài đồng Giêsu đã lấy sự cầu nguyện làm hành trang cho cuộc sống của mình để được gặp gỡ với Thiên Chúa; Thánh Martino lấy sự cầu nguyện để được tâm sự với Thiên Chúa, xin Chúa phù hộ và hướng dẫn cho các công việc của mình; ngay cả các Nữ tu chân phước như: Lucia, Faustina, Maria Calcusta. . . cũng lấy sự cầu nguyện để bước trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa; Thánh Don Bosco Savio đã nhận biết Thiên Chúa rất sớm qua sự cầu nguyện hàng ngày; Thánh Alphonso cũng lấy sự cầu nguyện làm món ăn tinh thần cho cuộc sống hàng ngày trong đời sống tu hành và công việc truyền bá đức tin… Thánh Phaolo cũng lấy sự cầu nguyện là một niềm tin ăn năn để được tâm sự và tạ lỗi cùng Thiên Chúa khi Ngài đã qua những ngày tháng chưa nhận biết Thiên Chúa…

Chính vì vậy – cầu nguyện là một sự tiếp cận vô hình trong tâm tưởng để đem con người đến gần với Đấng Thần linh siêu phàm nào đó mà ta đã chọn lựa để phù hộ cho chúng ta trong cuộc sống. Hàng đêm trước khi đi ngủ, gia đình họp nhau nguyện kinh và cầu nguyện thì đây là một hình ảnh tốt đẹp và mẫu mực đáng noi theo và thực hiện, cũng giống như qua câu chuyện bữa cơm gia đình, gia đình cùng giải trí thì có mấy gia đình được đoàn tụ như thế. Hiện nay trong Giáo xứ nhỏ bé của chúng ta, chúng tôi đã được nhìn thấy giờ kinh của rất nhiều gia đình vào đêm tối, đây là một truyền thống rất đáng được duy trì và phát huy nhân rộng.

Chúng ta cần cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện cùng Chúa, bất cứ nơi nào và lúc nào, tâm hồn chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa, đến Mẹ Maria xin các Đấng luôn phù hộ che chở cho chúng ta trong mọi công việc từ khi khởi sự cho đến lúc hoàn thành tất cả đều nhờ bởi Ơn Thiên Chúa.

Tóm lại – Cầu nguyện là một sự cần thiết trong tâm linh của bất cứ ai, bất cứ đạo giáo nào, bất cứ nơi đâu, bởi vì cầu nguyện là chúng ta được tâm sự với Thiên Chúa tất cả mọi vấn đề, chúng ta được trút đi gánh nặng đang đè trên vai chúng ta, cầu nguyện để được chia xẻ, được thông cảm và được đến gần Đấng mà mình đã chọn lựa cho chính cuộc sống của mình hơn….

Trong phần kết lễ ngày hôm ấy (07-06-2008) ca đoàn Hiền Mẫu đã hát bài Chúa trong gia đình của Nhạc sĩ Viết Phương. Bài hát đã nói lên một thông điệp về tình yêu gia đình hạnh phúc, đây là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta hiểu rằng: Gia đình KiTô giáo của chúng ta sẽ luôn có Chúa soi sáng, luôn có Mẹ Maria ban phước lành và Chúa Ngôi Ba che chở, tất cả chúng ta hãy trông cậy vào Thiên Chúa, Mẹ Maria để các Ngài luôn hằng che chở và giúp đỡ cho chúng ta vững bước trên con đường đến gần Nước Trời hơn.

Kính thưa Cha !
Trên đây là một vài ý nghĩ cảm nhận của chúng con khi luận bàn về chủ đề Gia đình và Cuộc sống trong tinh thần KiTô hữu, nhân dịp trong năm Mục vụ 2008 – Giáo dục KiTô giáo, cho dù chưa được toàn vẹn, nhưng cũng sẽ một phần đóng góp trong bài học xã hội học hôm nay. Kính mong Cha sẽ còn nhiều bài chủ đề hay và sinh động hơn nữa… để cho mọi con người, mọi gia đình luôn sống theo ý Chúa hơn…

Trân trọng kính chào Cha.

Giáo xứ Xuân KiTô ngày 08 tháng 06 năm 2008
Người con Xứ đạo

Pet. Nguyễn Ngọc Hải





Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Giai đoạn nào là đỉnh cao cuộc đời bạn?
»  Cảm nhận về: Định nghĩa BẠN.
»  Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...
» 69 mẹo vặt cuộc sống...
» Người Công giáo và cuộc sống nội tâm

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến