Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Cảm nhận tập thơ Thức Đủ Tàn canh

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Bài Cảm nhận tập thơ Thức  Đủ Tàn canh Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Cảm nhận tập thơ Thức Đủ Tàn canh   Bài Cảm nhận tập thơ Thức  Đủ Tàn canh EmptyFri Jul 22, 2022 9:39 am

Bài Cảm nhận trong tác phẩm "Thức đủ Tàn canh" của tác giả Dương Hồng. . . .

BÀI CẢM NHẬN. . . .
(Nhận xét về thi phẩm Thức đủ Tàn canh)


Ở đây chúng tôi chỉ xin được trích lược lại thi phẩm chủ đề của tập thơ này Thức đủ tàn canh mà chính tác giả  Dương Hồng đã ngẫm nghĩ ra. . .Cho dẫu là một bài thi ca nhưng chúng tôi cũng đã lấy đó làm một chủ đề của toàn bộ tập sách nhỏ này. . .

Bài Cảm nhận tập thơ Thức  Đủ Tàn canh <a href=Bài Cảm nhận tập thơ Thức  Đủ Tàn canh Thoc__10" />
Nếu cuốn sách nhỏ Thức Đủ Tàn Canh này mà ai đó đang cầm trên tay mình thì đó là mùa hè đang về - và đã đi qua – nếu nói về dĩ vãng cách đây mấy mươi năm về trước – đó chẳng qua là những dấu tích đời mà chính tác giả vẫn còn ghi lại nơi đây cho mình những lưu niệm hoài nhớ; nào là sân trường; nào là những tà áo trắng tinh còn phất phơ trước những ngọn gió mà có ai đó gợi nhớ lại chính những tà áo bay bay ấy – đã một đôi lần làm rung động và xao xuyến với những tâm hồn còn mang nặng tính thi ca đời như thế ?

Chúng tôi xin được trích lại những đoạn nguyên văn của bài thi ca ấy của tác giả . . .

Cánh gió đêm về nơi vùng xa của cuộc đời mà có lẽ thi nhân cũng đã lấy một nguyên nhân làm tiêu đề chính của mình, đêm mùa hè với những ngọn gió, những áng mây bay – như chưa thầm nói lên cho người ở lại một chuyến đi của người bạn đời của mình những trăn trở… Cái Thức đủ tàn canh mà chính tác giả đã ca lên bài ca giống như tiếng tiêu ai oán trong Vọng Nguyệt lầu kia – hỏi còn nói lên cho nàng những lời than oán trách ? Mà thôi – cái hờn căm – cái bập bễnh nó hòa quyện vào nhau trong những nỗi đau đang chồng chất – cái canh dài kia ơi sao không còn thức đủ những canh dài hối hả trong đêm khuya tận mạt mà cứ réo bên lòng ta những ngậm khúc đời như vậy ?

Cái đoạn đường mà ai ai cũng thức dài trong đêm vắng một lần mơ ? thôi thì ta cứ oán trách đời – oán trách lòng – oán trách hoàn cảnh một trong những nỗi sầu của một mùa hạ đang đi qua…

Thức đủ tàn canh

Gió đêm về bước sau hè
Để cho thềm vắng cơn mê sao đành
Mây trời đưa dấu ngậm canh
Để cho mèo rũ cây chanh sau nhà
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Không biết giờ này hồn thu đã về chưa, sao ta nghe giữa lòng chút lạnh căm nào đó… để rồi con thuyền viễn xứ đưa đi mà chưa thấy bóng ai mờ …Nếu đêm nay ai đã thức đủ tàn canh mà vẫn không thấy ai hò hẹn mà cứ để cho từng ngọn gió lạnh căm  nơi chốn tha phương nào cứ thổi ùa đi qua kẻ lòng ? Trời đã vào thu chưa nhỉ ? mà sao cứ thấy từng cơn gió cứ ùa ùa thổi về trong đêm vắng ! Có phải mây đang đưa về chốn nao mà lòng người cứ buông trôi thầm lặng ? để rồi một người đi và một người cứ còn ở nơi đây sao mà còn vắng bóng ? Hồn mây gió thổi tiễn đưa – Sao người lặng nín như thưa cùng ai ? Có lẽ lòng ai cứ nghĩ ngợi và cứ buông trôi những ý nghĩ trong cơn mê ? Nếu mộng xanh của ai chưa thấy những đám mù u xanh rờn kia, thì có lẽ trong đêm khuya vắng như thế này sao còn cứ vắng bóng hoài đi nguời nhân gian ?

Có thể nơi đây là một tuyệt tác mà chính thi nữ Dương Hồng đã lấy từ cảm xúc và nghĩ ngợi của mình để  viết lên thành một thi tác này… chúng ta có thể nhìn lại một khổ thơ như đang bình luận… để thấy được cái nội dung của cái cảm xúc này vậy ! Nếu nhìn vào và chúng ta cứ cho đây là một thi hữu tuyệt mỹ thì Thức đủ tàn canh này đã mang những dấu tích và những cái cảm xúc vô vàn như thế - Thuyền đưa  viễn xứ là đà gió thu… gợi lên cho chúng ta thấy đời người đã vội ra đi sao mà quá sớm ? Rồi Mây đưa sao lại vắng bà ? Có lẽ bà còn tung tăng tạm đâu trên cõi trần này và cứ chu du mộng tưởng đâu đó chỉ vài dăm ba phút đồng hồ rồi quay về lại nơi xuất phát của cơn mơ.. nhưng nếu có ai học hết chữ Ngờ  được khi đang sống … và rồi chính bà cũng không thể ngờ được cõi chu du ấy đã từ từ bay đi mất khỏi tầm tay và đã tìm về một phương thu nào rồi… Trong khi chính tác giả cũng không ngờ con thuyền không bến chốn dương thế này cũng lại bay về phương xa mà nàng không hề hay biết …

. . . . . . . . . . . .
Mây đưa sao lại vắng bà
Thuyền đưa viễn xứ là đà gió thu
Mộng xanh mấy mộng mù u
Khuya rồi sao vắng hồn thu phương nào
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Người đã đi xa rồi, nàng đây – con người ở lại chưa được về nơi vinh phúc, thế là những giọt sầu rơi rớt chung quanh bà. Không biết bây giờ là canh thứ mấy rồi nhỉ ? mà nàng nghẹn lời không nói… mới ngày nào đây – trên dương gian này, nàng còn khoe đủ những cánh hoa mùa hạ đỏ au của những mùa hè đong đưa với cái thời kỳ khi còn là thiếu sinh ! Những mùa hè còn mang nặng tính trầm uất của cái thời non dại và son trẻ- có thể nói khi chưa biết yêu là gì !

Nhưng giờ đây thì với lứa tuổi khi đã xế chiều này và với từng ngọn gió vẫn cứ đong đưa thổi về hay đi xa… thì nàng cứ vẫn lấy về cho mình những cái buồn đau trong cõi lòng của chính mình… một khi nàng chỉ nhuốm cho mình cái sắc áo màu tím hoặc những cơn mê màu vàng đi nữa thì nàng vẫn chỉ là… một cô gái Dương Hồng của một thời đại…

Có thể nói có thể đây là mở đầu cho một canh dài trong suốt năm canh mà con người ta thức đủ như thế nào khi một canh đêm qua đi thì con người ta còn thức trắng với năm canh dài thì những cái buồn vui và hỷ nộ  ái ố vẫn hiện ra và thi nhau đè nặng lên vai của con người còn ở lại, ở đây chúng tôi muốn nói đến con người của tác giả đã bị bao sức nặng đè lên vai của chính mình trước một linh cửu mà giữa sự chia cắt của hai cõi lòng phải thi nhau mà gánh lấy (chưa nói đến con cái) thế - mới nói chưa hết của một con người – nhất là con người của thi nữ… Mấy năm còn trễ chuyến đưa – Người đi quạnh vắng mây mờ khóc than… ở đây – chúng tôi muốn nói đến người bạn đời của thi nữ vẫn còn đâu đó chút tình dài vẫn còn luyến lưu nơi cái trần thế này… chỉ còn với nhau những giây phút hồ hỡi trong thinh lặng; chỉ còn những giây phút quyến luyến bên nhau trong giờ phút cứ cho là cuối cùng này vậy… nhưng một người chỉ biết khóc than – còn một kẻ đã nằm im để sắp sửa hưởng thụ những cái phút cuối cùng còn bên nhau – để rồi ngày mai vong hồn người ấy sẽ biền biệt ra đi về nơi vĩnh hằng vong quốc của miền xứ Tây phương cực lạc…

Nhìn lại tấm chân ảnh mà nàng khoác chiếc áo tím nhạt và nhìn về phương xa để với nụ cười đưa tiễn…người ta thường nói màu tím là cái màu của biệt ly và cái màu buồn thảm trong đời… vì thế với cái giây phút đưa tiễn vong hồn của người bạn đời về nơi Tây phương cực lạc kia có lẽ cái màu áo tím trong lòng mà nàng đang khoác – chính yếu là vậy ! Người đi quạnh vắng mây mờ khóc than…

. . . . . . . . . . . .
Gió đưa mấy sợi mưa rào
Thổi qua mấy lốc vướng vào thềm xưa
Mấy năm còn trễ chuyến đưa
Người đi quạnh vắng mây mờ khóc than
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Khi còn trên dương thế, tại sao con người ta cứ buông lời dèm pha nhau và nói những lời khó nghe vậy ? có lẽ ai ai cũng thế cả, không hiểu tại sao thi nữ Dương Hồng này lại nghĩ ra cái câu Thức đủ tàn canh này để nói lên cho mình cái nỗi lòng ? Có lẽ chỉ có những người hay có cái tâm tình riêng tư của mình  và vô tình nói lên như thế ? Mới qua một khổ thơ trên đây thôi thì khi với  khổ thơ này ở đây tác giả đã nói  đủ năm canh dài thức trắng… Chiều hôm thức trắng canh dài xót xa… ở đây nàng đang khóc và nàng nói lên cho mình một lời than oán trong các lời than thương xót… hình như con tim than oán – và nói rõ để cho người nằm đó còn nghe rõ những lời than cuối cùng… nàng than trách; gió khuya vẫn thổi… nàng còn nghe rõ tiếng lào xào trên mái nhà lời than oán của gió…

Nói đến đây – chúng tôi chợt nghĩ có lẽ thân phận của thi nữ sẽ không còn bóng bẫy và rung động với hồn thơ như xưa nữa; vì vậy mà tàn canh đêm nay nàng thức đủ cho trọn  tình trọn nghĩa- rồi từ ngày mai ấy – có lẽ sau khi chàng ra đi để về nơi chốn vĩnh hằng, có lẽ thi nhân cũng tạm gác bút để nghỉ dưỡng mà ngẫm nghĩ về thân phận cho đời – vì Người thương bạt gió chuyện đà hôm nao - ở đây như một lời trăn trối cuối cùng của một kẻ khi tiễn người đi xa… Tại sao nàng Tô Thị lại cứ bồng con nhỏ tiễn chàng ra đi nơi biên ải để dẹp loạn mà có một người nghĩ đến “không có ngày về” thôi thì chàng đành đoạn ra đi về nơi chốn hư vô nào đó để tránh mặt chàng… ?

Còn đây với thân phận của thi nữ Dương Hồng chúng tôi chì thấy thi phẩm Thức đủ Tàn canh này nên chúng tôi mới nói.. Nếu đêm nay đã về và đang về với năm canh dài đủ với nàng thì năm canh dài này có lẽ là đêm cuối cùng để cho hai ông tơ bà nguyệt còn khóc và xót thương nhau ? nếu thức đủ những canh dài – với thi nhân Dương Hồng có thể là đoạn trường cuối cùng của một tình yêu thì có lẽ đây là cuộc yêu đương trong một tình duyên bất tận ? Còn nếu đó chỉ là những lời khóc than của một kẻ đời xót xa cho người ra đi  của hai nghìn trùng sống-chết, thì đây là tiếng khóc chỉ bình thường mà thôi… nhưng ở đây chúng tôi nhận thấy cái lời ai oán của chủ nhân thi nữ sẽ không là vô tư như vậy – mà có có một cái tâm và những lời than oán xót xa ấy hầu như đã nói lên cho mình những tấm chân tình mà nàng nghĩ sẽ không có giấy bút nào nói lên cho hết…

Năm canh dài của thi nữ khi nỗi xót xa và trào dâng lên một ánh sương đêm lạnh lẽo… lạnh lẽo không biết đó là những cơn gió khuya thổi về - hay là màn đêm u tịch ? mà có khi cái lạnh từ trong tâm của con người- chỉ có những ai đã nghỉ say sưa và chọn cơn mê vào những tiềm thức thì mới không thấy cái lạnh đó thôi… còn những con người như thi nữ tác giả hôm nay – một khi đã đắm mình vào một cơn mê đời không muốn – thì cái lạnh lẽo ấy cũng đã hiện về như những cơn mê chợt đến. Đêm khuya này – với đủ năm canh dài này, có khi người viết thi phẩm mới nhận thấy Gió đưa lá thổi mây là - Người thương bạt gió chuyện đà hôm nao…

. . . . . . . . . . . .
Đêm về đã đủ năm canh
Chiều hôm thức trắng canh dài xót xa
Gió đưa lá thổi mây là
Người thương bạt gió chuyện đà hôm nao
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

   Chúng ta thử nhìn lại toàn bộ cuốn thi phẩm Thức đủ tàn canh một lần- thì  sẽ thấy đời người cho dẫu là gì đi nữa thì những thi phẩm như là: Trăng về gió ngỡ lao xao; Em đi rồi; Mây đi rồi; Vô thường một cõi; Tình đời cứ mãi; Luân hồi trong mơ hay là Ngõ dấu hồn xưa. . . . chừng đó cũng đủ cho chúng ta thấy rằng: tâm hồn người thi nữ đâu phải chỉ có thức đủ năm canh tàn để nhìn về một giấc mơ qua ? Mà chúng ta còn nhận thấy cái vết lăn trầm còn hiện rõ lên đây những mùa hè những tiếng ve – nhưng bóng hoa phượng chứ đâu phải riêng gì một trong những năm canh để toát lên một vấn đề không thôi ! Như chúng ta đã thấy Xưa rồi cảnh cũ chiều nao - không biết cái buổi chiều – những buổi chiều đó con người tác giả làm gì và ăn ý như thế nào mà chỉ thoáng qua một câu văn trong thi phẩm cũng đã nói lên cho chúng ta thấy như vậy ! Cái thời mà con người ngẫm nghĩ – rồi phải xót xa chọn lựa, để rồi Cuộc tình mấy kẻ đợi mong kia có làm cho nàng vừa lòng hay là thất sủng theo từng ngọn gió đưa đề quay về nơi bến cũ…

Có thể nói đây là một khổ  thi ca trào phúng nhất; khiếm diện nhất; và vô tư nhất trong thi phẩm canh dài này.  Nếu Thức đủ tàn canh trong tuyển tập thi phẩm cùng tên mang nhiều nét ưu tư, nhiều nỗi buồn và còn những nỗi xót xa nhân trần thì chúng ta thấy được như trong một món ăn đời gồm có những vị chua cay, mặn lạt và một chén nước mắm cho người khách thực phải chan vào. Vị chua cay đó là: Nỗi nhớ tàn tro; Áo trắng còn đâu; Phượng ơi; Tháng qua ngày lại; Bụi phấn lòng ai cứ vẫn hoài; Biển nhớ; Nghĩ về Thầy. . . Thế nên một người thi nhân dọn món lên mâm cỗ thì chúng ta sẽ thấy đầy đủ các vị mặn; ngọt; chua; cay. . .. để làm theo thị hiếu của từng nguời vậy mà . . . Và vì vậy một khi người chủ thi ca dọn cổ lên bàn ăn – có nghĩa là người chủ đó đã trình bày hết các món ăn tình thần của mình lên bàn cho thực khách… Cuộc tình mấy kẻ đợi mong . . . đó là những câu chuyện tình trên vai nàng khi cái thời còn son rỗi – còn con gái.. mà nàng phải chọn lựa- và Để câu ân ái trong lòng thức khuya… Bởi vì trong đời người ai ai cũng có một lần chọn lựa cho mình… nhưng chính thi nhân ở đây đã chọn lựa cho mình “một tiếng sét” để rồi  thi nhân cứ lấy đó  làm hành trang nàng đi với người ấy trên cõi đời  !

Có thể nói rằng Ra đi thức đủ năm canh – Hòa chung một chiếu mây trời khó phai.. Vì vậy một khi người con gái trong câu chuyện tình cuả nàng có sự sinh ly, thì cái cảnh lâm ly đó không thể nói lên thành lời được; mà chỉ là giây phút im lặng để rời sự im lặng đó … nhìn qua mới thấu hiểu được lòng người vô bờ bến trong nỗi nhớ xót thương ! Nếu nói cho cùng khi con người thức đủ tàn canh thì cái tàn canh đó nó chỉ có giá trị nơi cái giây phút lặng thinh của con người đó mà không thể nói lên thành lời được- cho dẫu trong sự im lặng đó chúng ta sẽ thấy trong tâm khảm sẽ có muôn lời ngọt  ngào dành cho nhau – thương về nhau- nhớ nhau. . . nhưng không thể có một tác phẩm nào viết lên cho kịp và đầy đủ cả … và chúng ta nhìn lại câu cuối trong đoạn thơ này để thấy rõ cho một đời. . .

. . . . . . . . . . . .
Xưa rồi canh cũ chiều nao
Hồn đưa mây xám gió lao xao lòng
Cuộc tình mấy kẻ đợi mong
Để câu ân ái trong lòng thức khuya
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Anh ơi- khi biết người ra đi chốn phương nao mà không thể nói rõ địa điểm nơi đến… nhưng người đi có lẽ chưa biết mình đi đâu trong bài viết thi phẩm Thức đủ tàn canh này đương nhiên cho chúng ta thấy được cái cảnh chia xa của hai con người mà không thể nào gặp lại.. để rôi một khi được gặp lại thì chỉ có nơi miền Tây phương cực hữu kia thôi…  nhẹ bước trăng thia – Hồng nhung tha thướt mây về cõi nao – Mây vàng đưa tiễn tình trao xót lòng. . . Chừng đó thôi cũng đủ cho chúng ta nhận thấy cái viễn cảnh hội ngộ của kiếp con người thật là vô song… Cái đoạn tình hồng kia có trao nhau đến nỗi mà lòng phải xót xa thì cái câu đau đớn lòng thia – đó là cái tình hằng hữu một khi con người trao đi nhanh chóng mà không bao giờ thấy tiếc thương và nhung nhớ; cái đau đớn của lòng thia kìa – bao giờ nó cũng chậm rãi và nhanh nhẹn khi con người thương tiếc chỉ cần cái nháy mắt là xong tất cả. . .

Ngày xưa; chúng ta còn nhớ mối tình chung của nàng Bạch Sương Thu khi trăn trối với lời trần tình với chàng Bảo Viễn… Trong khi chàng Bảo Viễn từ từ nhắm mắt để trao thân về miền đất lạnh và kịp đưa hồn mình về với thiên thu – thì Bạch Sương Thu đã khóc sướt mướt bên thi hài của chàng… nhưng những giọt nước mắt của nàng Bạch một khi đã rơi xuống thân thể chàng Bảo… sau đó chàng không hề thoát đi được… cuối cùng có nhiều vị lão thành lão quân phải vái thân xác của chàng Bảo cứ mãi ám ảnh nơi dương thế này trong cơn nặng nề và đau đớn. . . các vị lão thành mới đưa nàng Bạch đi ra nơi khác – để cho các giọt lệ sầu trên thân xác của chàng Bảo khô đi thì hồn hương của chàng mới có dịp nhẹ gánh và bay về miền cực lạc. . .Nàng Bạch trong cơn khóc lóc thảm thiết, được một lát nàng ngất đi và cũng hôn mê trận. . . trong cơn mê đó Bạch Sương Thu đã thấy cảnh hồn hương của chàng Bảo thoát ra khỏi xác trần và bay vút vào cái không gian trầm lắng này . .. Và nàng Bạch đã biết – ra đi cũng cần cho có cái nhẹ vong – để người ta thấy được cái cảnh thoát tục và bay về nơi ấy… cho nên chúng ta khi nhìn lại khổ thơ thứ này – mà ngẫm nghỉ: Tại sao khi khóc thương cho một linh hồn nào đó – người đời không cho ta đến gần nơi vong linh là vì vậy !

Nếu nhìn về thi phẩm Thức đủ tàn canh này – chúng ta sẽ thấy trong loạt bài thi ca cùa tập thơ này như: Cơn mưa hạ; Hạ sầu trong ai; Hoa đã xa rồi; Thu về trong Hạ còn chăng nhớ;m Trăng về gió ngỡ lao xao…. Hoặc như ở phần cuối – chúng ta nhận thấy :Đâu rồi áo trắng còn thương;  Chút niệm ngày xưa; Chiều nay một mùa đông; Nắng Hạ; Chết lặng hồn xưa hoặc là Thăm lại trường xưa . . . . Đó là những loạt bài mang tính chia xa – nhưng khi con người hôm nay chia xa- ngày mai còn gặp lại trong niềm thương nhớ, chứ còn Thức đủ tàn canh kia – thì một nhân vật hôm nay – khi đang nói với người đã vãng trong cái nhục nhằn và ly bôi để rồi sau đó sẽ không còn gặp lại chút nào …

Mây đỏ, mây tím, mây hồng, mây đen. . . nhưng khi đề cập đến mây vàng đưa tiễn. . . thì lao xao và xót xa trong lòng người ở lại… Rồi người đâu lòng cứ nỡ lao xao ? Lao xao ở đây là đang trong buồn tủi, trong cái nỗi đớn đau, trong cái lo âu, và còn có khi trong cả lo sợ ngập ngừng… cho nên theo ý của tác giả đã vô tình cho biết như vậy ! Cho nên khi mỗi con người, mỗi cá nhân trong mỗi hoàn cảnh khác nhau thì bao giờ cũng đã có cho mình một cái cảm xúc cả. Ở đây với tâm trạng của tác giả thì ta mới thấy từ cái vô tình lao xao ngỡ ngàng – đi đến cái bàng hoàng rồi hãi hùng… là như thế đấy !

. . . . . . . . . . . .
Mấy khi nhẹ bước trăng thia
Hồng nhung tha thướt mây về cõi nao
Người đâu lòng nỡ lao xao
Mây vàng đưa tiễn tình trao xót lòng
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Đến đây, khi xem tiếp khổ thơ thứ đến của thi nhân tại DPG này… chúng ta mới thấy không phải đủ lý do sầu oán của cơn mê đời mà tác giữa đã đau xót khôn nguôi… tác giả là một con người đa sầu đa cảm, nhưng cũng có lúc một thoáng chập chờn trong cơn lốc, để rồi cái con đường nàng đi tới sẽ bước qua một lối rẽ khác…Năm canh  dài có ai biết nàng đã thức đủ vừa năm để rồi cái cung oán ngâm khúc mà nàng khóc lên và thét vội, để cho con người hương linh kia có nhàn nhủ trở về với cái gì thực tại mà thanh toán hết nợ đời mà con người đã làm ra… Nếu nàng hỏi Khuya rồi thức đủ mấy canh – Tình thao thức ấy trăng tàn dưới ao… Khi người trần hỏi như vậy – duy chỉ có vong linh còn nghe rõ và trong cái tâm- nhìn nàng đang bơ phờ với những cái thương đau Người khua nhẹ bước lao xao – Cỏ hồng bạt gió xin trao về người… nghe trả lời câu hoài vọng thấy nàng nhẹ lòng trong cơn mê tăm tối…nàng chợt như tỉnh giấc trong cơn say nồng với ngõ hồn mê đắm; rồi nàng lặng câm vẻ mặt buồn bả - nhìn về hương linh người quá cố như nhìn về toàn bộ ký ức của một thời rong ruỗi mà nhớ về cho một chuổi ngày câm lặng chợt kéo về trong cơn mê… nàng nhìn chàng và chàng cũng nhìn nàng. Một khi trong cái nhìn đắm đuối kia hiện rõ cho thấy từng cái tâm, cái thức, cái tỉnh, cái ngộ, cái đường. . . . để rồi đâu hương linh kia chuẩn bị đi về cõi giải thoát… con muỗi vô tình cắn vào thân xác nàng trong cơn say nhằm đánh đổ cho nàng thức dậy…  té ra – nãy giờ ta đây chỉ là mơ mơ màng màng. . . Chính cái mơ mơ màng màng đó nàng nhìn lại cảnh vật đưa tiễn lần cuối cho một hương hồn sắp đi xa. . . Nhìn ra phía con trai thì cũng đang còn ngủ vùi nhìn về bên kia, một thân tàn cô quạnh cũng đang ôm lấy tấm mền và ngủ vùi… tất cả đã say ngủ - như đang vùi vào giấc mơ đời buông dại đang ru lấy từng con người… chợi nhiên nàng nghĩ tới thân phận của nàng, rồi từ đây bước đường đời mà nàng sẽ đi qua và bước tới sẽ còn có ai để cùng nằng say giấc mộng thu ? Từ đây có còn như những ngày đã qua- trong cơn say giấc tình tự, nàng còn có ai để vui buồn và chia sẻ còn những tiếng cười nói – những lần khóc than- những nỗi trăn trở - những lo âu, muộn phiền… trong nhà nàng biết chia sẽ cùng ai, hay là đợi đến cơn mơ về…

Có những ai khi cơn mê về - người thì khóc – kẻ thì cười nói, nỗi vui hiện rõ những nỗi buồn của kẻ đang trong cơn mơ, có còn cùng ai để chia sẻ Người đi bặt chốn phương nào - Ôm  theo dang dở chiêm bao không tròn – Gió về thoáng vội đưa nhanh- Nhành chanh quả mít tranh nhau đưa về -  Người về sau bức màn the- Trống xoa hồi cúc  đoạn trường trăng thanh… Chúng ta chỉ biết và còn mong nhớ giùm cho nàng thực tỉnh trong cơn say giấc; nàng im lặng, nín câm… để hương hồn người cố nhân được tự nhiên ra đi xin được ngự trị về nơi diễm phước. . .

  . . . . . . . . . . . .
Khuya rồi thức đủ mấy canh
Tình thao thức ấy trăng tàn dưới ao
Người khua bước nhẹ lao xao
Cỏ hồng bạt gió  xin trao về người
. . . . . . . . . . . .

(Dương Hồng)

Một khi mà con người ta lấy lại được niềm tin yêu trong muộn màng thì có phải chăng đó là một cơn mê hối tiếc mà con người đó đã tự nhận và buông ra như thế. . . Một khi mà con người ta nhìn lại – khi mà câu chuyện lịch sử đã xô đẩy con người và cuộc đời đi xuống những hố sâu – thì người ta còn nhìn lại và còn nhìn ra cái sai và cái trật của mình – có lẽ đây là một thi phẩm mà chính tác giả đã chọn làm tác phẩm vô giá của mình trong loạt bài mùa hè này, nếu nói về mùa hè mà chỉ có hoa phượng đỏ- chia tay rồi luyến nhớ vô vọng. . . tất cả chỉ là mơ hồ và mong manh một tính cách thái quá không thôi. . . mà phải nhìn  nhận rằng: đằng sau phía khoảng trống đó – vẫn còn có những điểm cần quan trọng hóa trong đời mình – khi một con thuyền buồm, một chuyến xe, hay một cảnh vật nào đó. . . khiến cho ta đi được, thì các chuyển đưa một lần nơi hè phố từ năm ấy đã có một sự luyến nhớ luyến thương như năm nào, một người đi – và người ở lại – đó là cái quy luật tự nhiên nơi con người chúng ta. . . Nếu nhìn qua những lần dạ khúc qua đi như: Chia tay mùa hạ; Có một mùa hạ, Mối tình hoa phượng. . . thì mới thấy được cái hồn nhiên nơi con người của chúng ta trước một viễn cảnh quá xa rồi. . . câu chuyện chia ly – hầu như chưa bao giờ ai níu kéo lại được, để rồi từ đây trong cái nhìn nhung nhớ trước một người ra đi mà không mấy xót thương kia nhưng cái luyến ái thật huyền diệu. . . Ở đây chính thi giả của khúc tình ca mùa hè trong một đêm canh dài đã lộ rõ cho chúng ta thấy được nỗi buồn trong cái chia ly ngẫu nhiên như thế. . . Để rồi nàng trở về trong hồi giấc chiêm bao; người còn được sự nâng đỡ của một tình yêu này vậy . . .

Ở đây nàng đang đi về nhà – nhưng còn có một tấm chân tình mẫu tử cho đỡ lòng; nàng đi về thì trời tối và cái yên ủi mà nàng có – là còn con, đứa con mà nàng qua bao ngày tháng cưu mang mới có được…

Bóng chiều tối dần  như canh dài vất vưỡng từng ngọn gió đưa hèo qua khung cửa nhỏ; nhưng may mà tối nay trời có trăng – như còn báo cho nàng biết cái nỗi nhớ triền miên như không thôi với một tình ca  như tình ca của mùa hạ hôm nào…Cái hồn thơ Thức đủ tàn canh trong cuốn tập – như
thức tỉnh cho những ai vẫn còn mang nặng những nỗi nhớ xa xăm nào ?

. . . . . . . . . . . .
Thuyền tình đưa tiễn người thương
Để người ở lại biết phương nào chờ
Chuyện đời cứ ngỡ là mơ
Buồng the còn giá như thơ trong lòng . . .


Dương Hồng  (Lại một mùa Hè)

Đến đây chúng tôi có thể được xin phép quý độc giả một lời nói – là cho chúng tôi tạm ngưng bút vì nếu nhìn lại toàn bộ xấp thi văn đã chọn lựa và khi cho lên đây, thì có lẽ thi tác Chia tay mùa hoa phượng  mà chúng tôi cũng đã sắp lên rồi – vậy thì lời chia tay mà chúng tôi đã cố ý nói lên đây – cũng như lời chào ly biệt của một tác phẩm vậy… khi nói lên điều này không ai trong chúng ta khó mà có thể nói lại lời tiễn đưa của mấy chục năm về trước cũng trong những mùa hạ như thế này, lòng người không thể không xuyến xao với những lời ru buồn – những lời ru thấu hiểu trăm năm mà những hận thù của lòng người chưa thể nào phai nhanh được; ở đây đôi khi con người ta còn phải tấu lên khúc đoạn trường để rồi trong mình mang mối hận ngàn năm…

Cho dẫu ai đó có nói lên- hay chưa nói lời chia tay của một mùa hè trong đời… phải chăng âu đó cũng là một kiếp đoạn trường trăn trở của đời người; chim bạt gió đưa ai về nơi có những mùa hạ đi qua; nhưng rồi có mơ màng thấy được cái hình ảnh của người xưa mà khi nói ra đây cũng là một lời trăn trối bâng quơ ? Câu trả lời có thể cũng chưa có tầm mức khả năng. . . và với những lời cảm xúc như thế này, khi chúng tôi đã nói lên đây có thể thay cho những con người ít nói một khi cánh mùa hạ đã quay về …

Với  Thức đủ tàn canh của thi nhân Dương Hồng hôm nay mà chị đã cất lên đây những lời nói – giống như lời giã biệt một thời và một đời thiếu sinh của mình đã đi qua… thì đây là có thể là lời cuối cho nhau trong cuộc đời này- Và có Thức đủ  suốt một canh dài trong đời mới thấy được hết niềm trăn trở của chính mình… Vậy đó – cuộc đời là như thế và còn có những lời nói…

____________
                                                     Nguyễn Ngọc Hải
                                           Nhóm Văn bút Trùng Dương  
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Bài Cảm nhận tập thơ Thức Đủ Tàn canh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Những thực phẩm “xoá” nhăn
»  Bài Cảm nhận nhân đề tài: Con người KiTô hữu...
» Cánh cửa của mùa thu.
» Phong cảnh đẹp
» 10 cây cảnh Vietnam giá triệu đô.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: VĂN - THƠ :: VĂN TRUYỆN SÁNG TÁC-
Chuyển đến